Việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò được cả Đà Nẵng và Quảng Nam quan tâm, cùng hợp tác triển khai thực hiện nhưng phía Quảng Nam đang “tắc”.
Về nhiệm vụ cụ thể đối với dự án Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, ông Trần Nam Hưng giao UBND thành phố Hội An tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp 02 hồ tôm ở phường Cẩm An (phạm vi nạo vét luồng) và các thửa đất tại phạm vi mở rộng nút giao Nguyễn Chí Thanh (Cầu Nguyễn Duy Hiệu). Thời gian bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được yêu cầu phải trước ngày 30/11/2024.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ phối hợp với UBND thành phố Hội An, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm việc, yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitour (chủ cầu Koi) thực hiện đúng nội dung đã cam kết. Đồng thời, yêu cầu Công ty nghiên cứu, triển khai đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới cầu Koi để phục vụ dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Koi Resort & Spa Hội An đảm bảo hoàn thành trước hoặc cùng lúc với cầu Phước Trạch đầu tư xây dựng mới.
Đối với thị xã Điện Bàn, địap phương này có nhiệm vụ chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh các bước công việc, hồ sơ liên quan để kịp thời phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các thửa đất còn tồn đọng ngay sau khi UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Về khoảng hở giữa phạm vi ranh giới dự án nạo vét sông Cổ Cò với dự án Khu dân cư thôn 1 Điện Dương, tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho phép tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng bằng nguồn kinh phí của dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. UBND thị xã Điện Bàn có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ đất sau bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
“UBND thị xã Điện Bàn tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư dự án liên quan để triển khai thực hiện theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các nội dung liên quan theo đúng quy định. Trong đó, khẩn trương phối hợp, làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành – Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Thống Nhất (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Phú Quý – Chủ đầu tư dự án Khu đô thị R.O.S.E.ĐÔ để rà soát, thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan theo đúng quy định để triển khai thực hiện”, ông Trần Nam Hưng chỉ đạo.
Cũng theo ông Hưng, sở, ngành liên quan có cần phối hợp, hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn, Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Phú Quý thực hiện hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nội dung để phục vụ bố trí tái định cư dự án Cầu Nghĩa Tự.
Đối với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, ông Hưng chỉ đạo đơn vị này khẩn trương xác định giá cát (nhiễm mặn) trước ngày 30/10/2024 để tổ chức đấu giá cát, giải phóng cát bãi thải. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu việc thực hiện đấu giá quyền khai thác cát nạo vét trực tiếp tại tuyến sông còn lại (không tập kết bãi thải), đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ban này được yêu cầu phối hợp với UBND thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại để tiếp tục triển khai thi công. Song song, phải chỉ đạo đơn vị thi công bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị, nhân lực để tiếp tục triển khai thi công đối với các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng.
Tại buổi kiểm tra thực tế mới đây, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam thông tin đơn vị đã triển khai lập lại phương án đấu giá cát tận thu, với một số nội dung thay đổi so với phương án đấu giá ban đầu. Trước mắt đấu giá khối lượng cát đã được nạo vét đưa lên các bãi chứa và phân thành 03 lô để đấu cho phù hợp với điều kiện vận chuyển và kinh phí nộp sau đấu giá. phần chưa nạo vét sẽ tiến hành đấu giá tiếp khi nạo vét lên bãi chứa.
Về giá cát, vị đại diện cho rằng do Sở Tài chính không thẩm định và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thuê đơn vị tư vấn khác lập lại giá khởi điểm sẽ dẫn đến kéo dài lâu trong khâu thẩm định và bán đấu giá. Đồng thời, hiện nay các nhà đầu tư cho mượn mặt bằng tạm để chứa cát sau nạo vét liên tục có văn bản đòi giải tỏa cát và trả mặt bằng để đơn vị sử dụng vào mục đích đầu tư hạ tầng.
Nếu không bán được và vận chuyển đi sẽ không có mặt bằng tiếp tục thi công nạo vét phần cát còn lại dưới lòng sông. Ngoài ra, các vướng mắc còn xuất hiện khi một số công trình kết nối qua sông không thể tháo dỡ vì lý do hạ tầng của các Khu đô thị hai bên sông Cổ Cò chưa đầu tư hoàn chỉnh, các đường dọc sông chưa khớp nối nên rất khó để dẫn đến các công trình đầu tư mới.
Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò có tổng vốn đầu tư 1.230 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 được tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018 với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (HA/W3) được phê duyệt năm 2020 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đến nay, dự án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá cát,…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn