Để hiểu rõ hơn về câu chuyện quản trị nguồn nhân lực trong thời đại số, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Tinhvan Consulting – Kiến trúc sư trưởng Giải pháp Quản trị nguồn nhân lực HiStaff.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và sức mạnh của AI trong việc thay thế đội ngũ quản lý nhân sự trong doanh nghiệp?

Tối ưu hóa quản trị nguồn nhân lực

Một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy, AI đã thay thế tương đương 300 triệu việc làm toàn thời gian. Ở Mỹ và châu Âu, nó đã thay thế 1/4 nhiệm vụ công việc nhưng cũng đã tạo ra rất nhiều việc làm mới và bùng nổ về năng suất lao động. Nhưng theo quan điểm của tôi thì AI không thể thay thế được hoàn toàn đội ngũ quản lý nhân sự trong doanh nghiệp vì một số lý do sau:

Thứ nhất, yếu tố nhân văn và tương tác giữa con người. Quản lý nhân sự không chỉ bao gồm các nhiệm vụ hành chính và tự động hóa mà còn liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ, hiểu biết về tâm lý nhân viên, và giải quyết xung đột. Những khía cạnh này yêu cầu sự nhạy cảm và hiểu biết sâu sắc về con người, điều mà AI hiện tại chưa thể hoàn toàn thực hiện được.

Thứ hai, quyết định dựa trên bối cảnh. Các quyết định trong quản lý nhân sự thường phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể và đôi khi cần sự linh hoạt, thấu hiểu và sáng suốt từ phía người quản lý. AI có thể hỗ trợ cung cấp dữ liệu và phân tích nhưng việc đưa ra quyết định cuối cùng thường cần đến nhận thức con người.
Thứ ba, trong lĩnh vực nhân sự, các vấn đề pháp lý và đạo đức đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về Luật Lao động, chuẩn mực đạo đức và tác động xã hội…

Thứ tư, quản lý nhân sự cũng yêu cầu về khả năng ảnh hưởng và dẫn dắt nhân viên của lãnh đạo, điều mà AI không thể thực hiện.
Sự kết hợp giữa AI và kỹ năng con người sẽ tạo ra một hệ thống quản lý nhân sự hiệu quả và cân bằng.

Ông có thể phân tích sâu hơn về lợi ích của AI có thể đem lại cho việc quản trị nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp?

Tôi tin rằng AI sẽ là chất xúc tác cực mạnh cho việc quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong thời gian tới. Những ưu điểm nổi bật có thể kể đến như tối ưu hóa quy trình, AI giúp tự động hóa các quy trình xử lý các nhiệm vụ hành chính, giảm bớt gánh nặng công việc; Phân tích và dự đoán hành vi chính xác hơn, cung cấp khả năng phân tích và dự đoán xu hướng nhân sự như rủi ro nghỉ việc và đề xuất chiến lược giữ chân nhân tài. Ngoài ra, AI giúp nâng cao trải nghiệm nhân viên, ví dụ công cụ chatbots trợ giúp thông tin cần thiết cho nhân viên, tăng sự hài lòng và tương tác với phòng nhân sự…

Tối ưu hóa quản trị nguồn nhân lực

Nhưng bên cạnh đó AI cũng tiềm ẩn những mặt tiêu cực và rủi ro khi ứng dụng?

Đó là điều hoàn toàn đúng. Việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn bởi AI có thể dẫn đến lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư của thông tin nhân viên. Hay việc áp dụng AI đòi hỏi sự thay đổi về quy trình làm việc và văn hóa doanh nghiệp, có thể gặp kháng cự từ nhân viên và quản lý.

Chúng ta đều biết, quản lý mối quan hệ giữa con người và máy móc trong môi trường làm việc là một thách thức, đặc biệt trong việc duy trì sự hài lòng và cam kết của nhân viên. Ngoài ra có thể phát sinh các vấn đề đạo đức như việc xử lý không công bằng hoặc thiếu minh bạch.

Trong khi AI mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho quản trị nguồn nhân lực, việc triển khai và sử dụng công nghệ này cần được tiến hành một cách cẩn trọng, với sự xem xét kỹ lưỡng về các tác động tiềm ẩn và cân nhắc các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Vậy xu hướng quản trị nhân lực trong 5 năm tới sẽ như thế nào khi cuộc cách mạng AI đã, đang hiện hữu, thưa ông?

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trên toàn cầu, tự động hóa có thể loại bỏ tới 85 triệu việc làm vào năm 2025 và đến năm 2030, AI dự kiến sẽ thay thế 800 triệu việc làm của con người. Nhưng AI cũng sẽ tạo ra 97 triệu việc làm mới trên toàn thế giới vào năm 2025. Thống kê này nêu bật quy mô lớn của sự dịch chuyển công việc có thể xảy ra do AI và tự động hóa.

Tôi nghĩ rằng trong 3-5 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của AI đến mọi khía cạnh trong đời sống. Trong làn sóng này, xu hướng quản trị nhân sự đang phát triển theo nhiều hướng mới, phản ánh sự tích hợp chặt chẽ giữa công nghệ và quản lý nguồn nhân lực.

Ông có thể làm rõ hơn những điểm quan trọng trong làn sóng bùng nổ tới đây?

Một số điểm đáng chú ý sẽ là: Tăng cường tự động hoá trong quản lý nguồn nhân lực; Cá nhân hoá đào tạo và phát triển; Gia tăng trải nghiệm nhân viên; Nâng cao kỹ năng công nghệ cho nhân sự; Kết hợp giữa con người và máy móc; Thích ứng với các mô hình làm việc mới.

Xu hướng này cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp giữa kỹ năng con người và công nghệ, cũng như cần thiết của việc đổi mới và thích ứng trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Tôi tin rằng việc ứng dụng AI này sẽ giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam tăng được chất lượng nguồn lực cũng như năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!