Saturday, April 27, 2024

EU có thể lách luật để viện trợ vũ khí cho Ukraine và chiếm hữu tài sản Nga

Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất “nhóm đặc nhiệm” tìm kiếm cách thức sử dụng ngân sách phòng thủ chung để mua vũ khí giúp Ukraine. Khối này có thể lách luật hiện thời nhằm đạt mục đích đó.

Biện pháp pháp lý để EU có thể trực tiếp mua vũ khí cho Ukraine

Brussels đang tích cực khảo sát cách lách qua một điều khoản của hiệp ước EU cấm mua vũ khí bằng ngân sách của liên minh này trong bối cảnh họ gia tăng nỗ lực tăng tài chính cho phòng thủ của khối và cho Ukraine.

Theo nguồn tin từ 4 người nắm rõ về vấn đề này, Ủy ban châu Âu – một cơ quan hành pháp của khối EU, vừa đề xuất một nhóm đặc nhiệm xem xét lại điều khoản trọng yếu nói trên – Điều 41(2). Điều khoản này quy định ngăn việc sử dụng ngân sách chung của EU cho “các hoạt động có mục đích quân sự hoặc phòng thủ”.

Bất cứ động thái nào sử dụng ngân sách trên để mua vũ khí sát thương đều sẽ bị coi là sự thay đổi đáng kể nhất trong chính sách phòng thủ của EU kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang Nga – Ukraine.

Những bên đề xuất mong muốn có một cách giải thích pháp lý linh hoạt hơn đối với điều khoản, mà theo đó EU có thể trở thành bên mua trực tiếp các vũ khí sát thương và đóng vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp phòng thủ của châu lục. Nhóm đề xuất kỳ vọng các nước thành viên EU sẽ ủng hộ ý tưởng này trong bối cảnh một số quốc gia EU vẫn rất dè dặt với động thái đó.

Một trong 4 người nói trên cho hay: “Đây sẽ là một bước đột phá lớn, có thể tạo ra thay đổi lớn”.

Nỗi lo sợ Nga gia tăng mạnh mẽ sức mạnh quân sự, có thể đe dọa châu Âu, đã thúc đẩy những động thái trong nội bộ EU hướng tới việc tái vũ trang khối này ở mức lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Hồi tháng 2/2022, các quốc gia EU đã nhất trí cấp tài chính để xuất vũ khí sang Ukraine, nhưng với điều kiện là sử dụng quỹ đa phương được lập bên ngoài quỹ EU nhằm tránh Điều 41(2) trong hiệp ước quy định về khối. Thay đổi hiệp ước được xem là bất khả thi về mặt chính trị.

Quỹ nói trên – Cơ sở hòa bình châu Âu (EPF), đòi hỏi những cuộc đàm phán cồng kềnh giữa 27 nước thành viên mỗi lần cần được bổ sung. Ủy ban châu Âu muốn tìm một biện pháp pháp lý để đưa quỹ này vào trong ngân sách EU nhằm làm cho nó hiệu quả hơn và có quy mô lớn hơn.

Các cuộc trao đổi trên được tổ chức khi các nhà lãnh đạo EU gặp gỡ tại Brusselss vào hôm 21/3, thảo luận việc sử dụng tiền lãi từ các tài sản Nga bị đóng băng để viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo đề xuất từ Ủy ban châu Âu, lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng sẽ được chuyển qua quỹ EPF bên ngoài ngân sách EU. Nhưng số tiền này có thể chuyển thẳng vào ngân sách EU nếu các luật sự xác định được rằng việc dùng nó để mua vũ khí cho Ukraine là không vi phạm hiệp ước của EU.

Tranh cãi pháp lý hướng vào việc liệu Điều 41(2) chỉ áp dụng riêng cho hoạt động quân sự của EU hay không. Những người đề xuất cho rằng nếu đúng như vậy thì điều khoản này có thể cho phép Brusselss mua vũ khí cho các hoạt động của thực thể khác ngoài EU, như lực lượng vũ trang Ukraine.

Nhóm 4 người nêu trên cho biết, bộ phận pháp lý của Hội đồng Liên minh châu Âu (cơ quan đại diện cho các nước thành viên) lạc quan về khả năng không cần động chạm đến ngôn ngữ của Điều 41(2). Tuy nhiên, nhóm luật sư của Ủy ban lại tỏ ra bảo thủ hơn trong giữ lập trường của mình.

Theo một tài liệu mà tờ Financial Times đã được xem, để giải quyết các khác biệt, Ủy ban châu Âu đề xuất các quốc gia thành viên sử dụng một “nhóm đặc nhiệm chung” để xem xét vấn đề “tăng cường mức độ sẵn sàng về phòng thủ của EU”.

3 trong số 4 người trên cảnh báo: Công tác pháp lý vẫn đang trong giai đoạn đầu và có thể không dẫn tới thay đổi nào cả. Thậm chí, các nước thành viên EU có thể đưa Ủy ban châu Âu ra tòa nếu họ tin rằng ủy ban này vi phạm các hiệp ước của khối.

EU tiến sát mục tiêu dùng tài sản Nga để viện trợ cho Ukraine

Các nhà lãnh đạo EU hôm 21/3 tuyên bố liên minh này có thể sử dụng tiền thu được từ tài sản Nga bị đóng băng để giúp Ukraine trong vòng vài tháng theo một kế hoạch bao hàm nội dung mua vũ khí cho Ukraine.

Lãnh đạo của khối 27 nước này tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels đã đồng ý xúc tiến kế hoạch trên, trước đó do Ủy ban châu Âu đề xuất.

Charles Michel – Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói với phóng viên: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hành động rất nhanh chóng”.

Chủ tịch Ủy ban châu Ursula von der Leyen cho hay, gói 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) đầu tiên từ kế hoạch này sẽ được giải ngân sớm nhất là vào ngày 1/7 tới đây.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất chuyển 90% lợi nhuận từ tài sản Nga đóng băng sang một quỹ do EU quản lý (quỹ EPF) được sử dụng để rót tiền mua vũ khí cho Kiev.

Ủy ban châu Âu ước tính lợi nhuận từ các tài sản của ngân hàng trung ương Nga nói trên (bao gồm cả chứng khoán và tiền mặt) dao động từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ euro mỗi năm.

Cả ông Michel và bà Leyen đều cho rằng ý tưởng dùng tiền lãi từ tài sản Nga để giúp đỡ Ukraine giành được sự ủng hộ rộng rãi trong các nước EU. Riêng Đức và Pháp ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: “Số tiền ấy trước hết phải được sử dụng để mua các vũ khí đạn dược mà Ukraine cần cho phòng thủ”.

Tuy nhiên, việc dùng khoản tiền này để mua vũ khí lại gây ra nhiều vấn đề hơn cho một số nước, bao gồm các nước trung lập, không liên kết về mặt quân sự, như Malta, Áo và Ireland.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer khẳng định: “Đối với các nước trung lập như chúng tôi, phải bảo đảm rằng số tiền mà chúng tôi phê chuẩn là không được chi cho vũ khí và đạn dược”.

Ông Michel trấn an rằng EU có thể tìm kiếm cách thức đưa các quan ngại nói trên vào kế hoạch của mình.

Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc EU đi xa hơn nữa, thậm chí tự dùng chính các tài sản Nga bị đóng băng, coi đó như một cách để trừng phạt Nga.

Trong khi đó, một số ngân hàng phương Tây đang vận động hành lang để ngăn cản đề xuất nói trên của EU do sợ rằng nó có thể dẫn tới các vụ kiện tụng tốn kém, theo các nguồn tin trong ngành.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img