12/04: Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào tháng 10/2023.

Thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. 

Cùng với đó, các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam lại đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao. Do vậy, dư địa cho các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng đầu tư không nhiều. Triển vọng tăng trưởng của các quốc gia này cũng không quá tích cực và điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023 thấp, chỉ có 22,1% nhưng dự kiến quý II/2024, có 45,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2024.

Tính đến 25/3/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%. Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỷ USD…

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh dự báo còn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm…

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Cùng với đó, Nghị quyết 58/NQ – CP ngày 21/4/ 2023 của Chính Phủ  về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp… nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa kinh tế xã hội phát triển.

Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới.

Thời gian: Từ 13h30 – 17h00, Thứ Sáu, ngày 12/04/2024

Địa điểm: Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (Ba Đình, Hà Nội)

Nhận diện và phát huy các động lực tăng trưởng cũ và mới có ý nghĩa hết sức quan trọng để điều hành và phát triển nền kinh tế trong năm 2024. Các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cần được đẩy mạnh cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen…).

Liên hệ: 

Nhà báo Nam Phương: 0977 812 349 – Email: namphuong@dddn.com.vn

Nhà báo Thùy Linh: 0915 358 389 – Email: thuylinh84.dddn@gmail.com