Tuesday, April 30, 2024

Quốc gia châu Phi dọa gửi 20.000 con voi đến Đức

Tổng thống Botswana – ông Mokgweetsi Masisi – bày tỏ tức giận vì một chính sách mới của Đức.

Quốc gia châu Phi dọa gửi 20.000 con voi đến Đức

Tổng thống Botswana – ông Mokgweetsi Masisi (ảnh: Guardian)

Đầu năm nay, Bộ Môi trường Đức ra quy định hạn chế nhập khẩu ngà voi từ châu Phi vì lo ngại nạn săn trộm. Tuy nhiên, ông Masisi cho rằng, lệnh cấm của Đức chỉ khiến người Botswana nghèo đi.

“Đàn voi đang gây thiệt hại về tài sản. Chúng ăn hoa màu và đe dọa người dân”, ông Masisi nói trong cuộc phỏng vấn của Bild (báo Đức) hôm 3/4.

Botswana (quốc gia vùng Nam Phi) có số lượng voi lớn bậc nhất thế giới. Năm 2014, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm săn voi lấy ngà. Năm 2019, Botswana dỡ bỏ lệnh này trước áp lực của nhiều cộng đồng địa phương.

Theo Guardian, việc dỡ bỏ lệnh cấm khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại về sự an toàn của hơn 130.000 con voi ở Botswana.

Phát biểu hôm 3/4, Tổng thống Botswana – ông Mokgweetsi Masisi – cho rằng, nỗ lực bảo tồn đã dẫn đến bùng nổ số lượng voi ở Botswana và việc săn bắn voi là cần thiết. Nước này hiện ban hành hạn ngạch săn bắn voi hàng năm.

“Thật dễ dàng khi ngồi ở Berlin và đưa ra ý kiến về các vấn đề của chúng tôi ở Botswana. Chúng tôi đang phải trả giá vì bảo tồn loài động vật này cho thế giới”, ông Masisi nói, đề cập tới đàn voi ở Botswana.

Quốc gia châu Phi dọa gửi 20.000 con voi đến Đức

Đàn voi ở Botswana (ảnh: Guardian)

Theo ông Masisi, người Đức nên “sống chung với động vật”, theo cách mà họ khuyên người dân Botswana nên làm như vậy.

“Đây không phải trò đùa”, ông Masisi nói thêm.

Botswana đã tặng 8.000 con voi cho Angola và 500 con voi cho Mozambique, nhằm giải quyết vấn đề mà ông Masisi mô tả là “quá tải”. Hồi tháng 3, giới chức Botswana dọa sẽ gửi 10.000 con voi tới London (Anh), để phản đối lệnh hạn chế nhập khẩu ngà voi.

Ông Masisi hôm 3/4 cho biết, Botswana muốn gửi 20.000 con voi cho Đức như một “món quà”.

“Tôi sẽ không chấp nhận câu trả lời là không”, ông Masisi nói.

Một phát ngôn viên của Bộ Môi trường Đức cho biết, Botswana chưa từng nêu ra mối quan ngại nào với Đức về lệnh hạn chế nhập khẩu ngà voi, theo Guardian.

“Trước tình trạng mất đa dạng sinh học đáng báo động, chúng tôi có trách nhiệm phải làm mọi thứ để đảm bảo việc nhập khẩu ngà voi là bền vững và hợp pháp”, đại diện Bộ Môi trường Đức nói.

Theo Guardian, Đức đang đàm phán với một số quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi các hạn chế nhập khẩu mới, bao gồm cả Botswana.

Đức là một trong những nước nhập khẩu ngà voi từ săn bắn lớn nhất Liên minh Châu Âu (EU), theo Bộ Môi trường Đức.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img