Tuesday, April 30, 2024

Indonesia phủ nhận kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel để gia nhập OECD

Chính phủ Indonesia đã bác bỏ các thông tin trên phương tiện truyền thông Israel rằng nước này có kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel để được chấp nhận gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Một số phương tiện truyền thông Israel trước đó đưa tin Indonesia đã đồng ý “bình thường hóa” quan hệ với Israel để đổi lấy việc được chấp thuận tư cách thành viên OECD. Thông tin cho biết sự đồng thuận đã đạt được thông qua các cuộc thảo luận bí mật diễn ra trong 3 tháng qua và việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ chấm dứt sự phản kháng của Israel đối với việc Indonesia gia nhập OECD.

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Lalu Muhammad Iqbal hôm qua khẳng định cho đến nay nước này chưa có kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel và bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột tại Gaza. Ông nhắc lại lập trường của Indonesia sẽ không thay đổi và nước này sẽ kiên trì ủng hộ nền độc lập của Palestine cũng như giải quyết xung đột Israel-Palestine trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước.

Indonesia từ lâu đã ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập và cùng với các quốc gia khác đang tham gia vào nỗ lực ngoại giao để kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn và tiếp cận rộng rãi hơn với hỗ trợ nhân đạo ở dải Gaza.

Đề cập quá trình gia nhập OECD, ông Lalu cho biết Indonesia sẽ triển khai lộ trình gia nhập OECD vào tháng 5 và nước này sẽ mất “một thời gian dài” để đáp ứng mọi yêu cầu. Theo ông Lalu, một số quốc gia cần từ 3 đến 5 năm để hoàn tất quá trình gia nhập OECD. Do đó, ông không thể chắc chắn khi nào Indonesia sẽ được chấp nhận là thành viên đầy đủ .

Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ ba ở châu Á đạt được quy chế “thảo luận mở để gia nhập” để trở thành thành viên đầy đủ của OECD. Trong quá trình gia nhập, 38 quốc gia thành viên của OECD sẽ kiểm tra kỹ lưỡng từng quốc gia thành viên mong muốn trên các khía cạnh khác nhau trước khi tuyên bố phê duyệt tư cách thành viên. Quá trình này có thể mất từ 5  đến 7 năm.

Chính phủ Indonesia bày tỏ hy vọng rằng quá trình gia nhập OECD sẽ được hoàn thành trong hai hoặc ba năm nữa, vì Indonesia đã trở thành quốc gia có tốc độ phê duyệt gia nhập nhanh nhất trong vòng 7 tháng.

Tư cách thành viên OECD của Indonesia có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia và dự kiến thúc đẩy đầu tư từ các nước OECD thêm 0,37% và tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia lên tới 0,94%.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img