Thursday, May 2, 2024

Gánh nặng gấp đôi từ lệnh cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử

Theo thống kê, có 88 quốc gia kiểm soát thuốc lá điện tử (TLĐT) so với 39 nước cấm. Trong khi đó, 184/195 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có quy định quản lý thuốc lá làm nóng (TLLN) theo luật hiện hành. Điều này cho thấy số nước kiểm soát TLLN, TLĐT chiếm phần lớn và ngày càng có xu hướng tăng lên.

Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp thuộc khối ASEAN (trừ Singapore) đã thực thi lệnh cấm TLĐT, TLLN vì đặt ra giả thuyết rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn các sản phẩm này hiện diện trên thị trường, cũng như hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ. Nhưng thực tế cho thấy mục tiêu này không đạt được như kỳ vọng, kể cả ở đảo quốc có dân số nhỏ và có chế tài nghiêm khắc như Singapore. Đồng thời, nhiều vấn đề xung quanh lệnh cấm được ghi nhận là có tác động đến cả nền kinh tế và xã hội.

Lợi bất cập hại trước lệnh cấm TLĐT, TLLN tại các quốc gia

Tại Campuchia, dù đã áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt với TLĐT, nhưng sản phẩm vẫn được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, cung cấp trực tiếp đến giới trẻ, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát hiện nay. Cụ thể, một khảo sát với hơn 1.300 thanh thiếu niên tham gia mới đây cho thấy, 40% người sử dụng TLĐT tại Campuchia là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trong đó có đến 79% số thanh thiếu niên này biết rõ TLĐT bị cấm.

Còn tại Thái Lan, tính từ tháng 1.2023 đến 1.2024, Cục Hải quan nước này đã tịch thu 68.706 sản phẩm thuốc lá mới trị giá khoảng 11 tỉ đồng, nhưng thực tế ước tính có thể gấp 100 lần. Đáng quan ngại nhất là 1/3 sinh viên đại học tại Thái Lan đã từng sử dụng thuốc lá TLĐT.

Theo báo The Straits Times, từ năm 2021 – 2023, số vụ vi phạm liên quan đến TLĐT tại Singapore đã tăng từ 4.700 lên 7.900. Thực trạng này cho thấy, mức phạt 1.490 USD đối với người sử dụng và án tù dành cho những du khách không giao nộp các sản phẩm TLĐT khi qua cửa khẩu Singapore vẫn không ngăn được nhu cầu sử dụng các sản phẩm này trên thị trường.

Số lượng vi phạm liên quan đến thuốc lá mới tại Singapore tăng cao bất chấp chế tài nghiêm ngặt. Nguồn: The Straits Times

Số lượng vi phạm liên quan đến thuốc lá mới tại Singapore tăng cao bất chấp chế tài nghiêm ngặt. Nguồn: The Straits Times

Úc là quốc gia duy nhất áp dụng hình thức kê toa bác sĩ và áp dụng mức tăng lũy tiến 5% thuế hằng năm đối với TLĐT. Tuy nhiên, tình trạng thị trường chợ đen ở quốc gia này vẫn “sôi động” và số người hút TLĐT vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Một trường hợp khác là Panama, nơi được WHO chọn đăng cai các kỳ họp liên quan đến thuốc lá mới gần đây nhất (COP10 và MOP3), cũng là một trong những quốc gia mà lệnh cấm gắt gao thuốc lá mới bị thị trường chợ đen vô hiệu hóa. Chính Tòa án Công lý Tối cao (CSJ) Panama cũng công nhận luật cấm TLĐT, TLLN tại quốc gia này đang cản trở người hút thuốc lá tiếp cận các sản phẩm thay thế đã được chứng minh giảm tác hại đáng kể so với thuốc lá điếu truyền thống.

Xóa bỏ lệnh cấm cực đoan, nhiều nước giảm gánh nặng quốc gia

Trong khi các quốc gia áp đặt lệnh cấm với TLĐT, TLLN đang lúng túng trong việc khắc phục hậu quả của chính sách này và mất kiểm soát với thị trường chợ đen, nhiều nước đã thay đổi hướng tiếp cận để tạo ra được những kết quả ngoài kỳ vọng.

Năm 2022, New Zealand dỡ bỏ lệnh cấm chỉ sau một thời gian ngắn, bởi Bộ Y tế nước này đã xem xét những sở cứ mới nhất và tuyên bố TLLN, TLĐT ít gây hại hơn thuốc lá điếu.

Cũng trong năm 2022, sau khoảng thời gian buông lỏng, Philippines cũng chính thức ban hành chính sách quản lý hoàn chỉnh đối với TLLN, TLĐT thông qua Đạo luật Cộng hòa số 11900. Mới đây tại kỳ họp COP10 của WHO, chính phủ Phillipines cho biết đã thu được 3 tỉ đô-la Mỹ từ việc thu thuế của TLLN, TLĐT và các sản phẩm thuốc lá khác trên thị trường. Chi phí này được phục vụ cho tái đầu tư vào các chính sách công để hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Tại Nhật, chỉ sau 8 năm hợp pháp hóa kinh doanh TLLN, lượng tiêu thụ thuốc lá điếu đã giảm gần 44%, vượt xa mục tiêu giảm 30% mà WHO đang chật vật theo đuổi.

Ở Việt Nam, các vấn đề về TLĐT, TLLN đã và đang nhận được sự quan tâm của các bộ ban ngành, Chính phủ và Quốc hội. Theo Điều 19, Nghị định 106/2017, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ và cơ quan ngang bộ xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm này trên cơ sở hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.

Hiện Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm đề xuất cấm các mặt hàng này. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLĐT lậu đã tăng gấp 18 lần từ năm 2015 đến 2020.

Tại hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, cá nhân ông không đồng tình với quan điểm “không quản được thì cấm”. Theo ông Cường, nếu có đủ căn cứ khoa học cho rằng TLLN, TLĐT gây tác hại ít hơn so với thuốc lá truyền thống thì tại sao lại cấm, bởi như vậy sẽ phải cấm cả thuốc lá truyền thống. Trong khi đó Luật Đầu tư cũng không có quy định cấm đối với các mặt hàng này.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: thanhnien.vn

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: thanhnien.vn

Đại diện các bộ ban ngành trong nước, bao gồm cả Bộ Y tế, đều khẳng định, việc quyết định chính sách nào cũng phải đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm, rõ ràng về TLLN, TLĐT, để đề xuất các chính sách phù hợp. Cần đánh giá nếu như cho phép thì có quản lý được hay không, còn nếu cấm thì sẽ có hệ lụy như thế nào.

Thực tiễn cho thấy có sự tương phản rõ ràng trong việc cấm hay quản lý TLLN, TLĐT trên toàn cầu. Đây chính là cơ sở dữ liệu đời thực quan trọng để những quốc gia vẫn còn loay hoay trong việc xác định chính sách như Việt Nam sớm đưa ra quyết định.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img