Saturday, May 4, 2024

Khởi công đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng, khép kín mạng cao tốc Bắc – Nam

Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng là tuyến cuối cùng của cao tốc Bắc – Nam phía đông, nối Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội – Huế – TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau.

Sáng 21.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, theo phương thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 11.024 tỉ đồng. Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án 5.495 tỉ đồng (3.500 tỉ đồng vốn ngân sách T.Ư và gần 2.000 tỉ đồng ngân sách địa phương), vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỉ đồng.
Khởi công đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, khép kín mạng cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng

TTXVN

Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng. Dự án có tổng chiều dài 60 km, đi qua nhiều huyện của Lạng Sơn, gồm 43 km đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng được thiết kế quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh – Cốc Nam dài 17 km, quy mô 2 làn xe, bề rộng 14,5 m.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là tuyến cuối cùng của cao tốc Bắc – Nam phía đông, nối Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội – Huế – TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau. Dự án giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, nhà nước góp 45% vốn và nhà đầu tư góp 55%.

Dự án kết nối từ cửa khẩu Hữu Nghị với đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã hoàn thành và cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vừa được khởi công ngày 1.1.2024. Đây cũng là mắt xích chiến lược hoàn thành kết nối 2 tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và Lạng Sơn – Hà Nội – TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh).

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định dự án có 6 ý nghĩa quan trọng: góp phần kết nối Hà Nội – Lạng Sơn và Cao Bằng; đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030 đạt 5.000 km cao tốc như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra. Tuyến Hữu Nghị – Chi Lăng sau khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông giữa ASEAN – Trung Quốc và VN – Trung Quốc, nối 2 vùng kinh tế động lực là đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc, mở ra không gian phát triển mới cho 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; góp phần thực hiện phân cấp phân quyền cho địa phương; thực hiện chủ trương hợp tác công tư.

“Hy vọng với tinh thần, khí thế này, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển tuyến cao tốc theo mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Khi đó sẽ có không gian phát triển mới, kết nối các vùng miền, kết nối VN với ASEAN, Trung Quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm tai nạn, ách tắc xảy ra tại nút giao cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn với QL1. Đây là đoạn đầu của cao tốc Bắc – Nam phía đông, khi đi vào hoạt động sẽ cùng với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Đồng Đăng – Trà Lĩnh (kết nối Lạng Sơn – Cao Bằng) đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn phía bắc đến các trung tâm kinh tế lớn cả nước. Đặc biệt, dự án sẽ tạo lợi thế quan trọng của tuyến hành lang kinh tế với TP.Nam Ninh (Trung Quốc) và tuyến kinh tế xuyên Á, cửa ngõ giao lưu với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Đại diện cho liên danh nhà đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, cũng nhấn mạnh tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng là một mảnh ghép hoàn chỉnh của tuyến cao tốc Bắc – Nam. Việc triển khai dự án từng gặp nhiều khó khăn, song đã được Chính phủ, các địa phương, đơn vị liên quan cùng chung tay tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, đây cũng là kinh nghiệm cho các dự án PPP sắp tới.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL4B đoạn Km 18 – Km 80 qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến QL4B hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu của người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh theo từng năm, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển KT-XH của địa phương và của vùng đông bắc. Dự án nâng cấp QL4B đoạn Km 18 – Km 80 có tổng chiều dài hơn 62 km, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Đây là dự án do Bộ GTVT phụ trách, phân cấp cho tỉnh Lạng Sơn thực hiện.

Kiểm tra công trường, tặng quà công nhân, người lao động đang làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa VN và Trung Quốc, giữa Lạng Sơn – Cao Bằng – Quảng Ninh; kết nối vùng, kết nối giữa 6 cửa khẩu quốc tế với các cảng biển.

Ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Lạng Sơn

Ngày 21.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn. Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía bắc, là cầu nối ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa VN, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc. Đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số; tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu VN.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, với vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kết nối quan trọng của vùng, cả nước và điểm trung chuyển quan trọng của khu vực.

Người đứng đầu Chính phủ khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh. Trong đó, không ngừng tăng cường, củng cố và đẩy mạnh quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện lâu dài, chặt chẽ, bền vững giữa hai nước, nhân dân hai nước VN và Trung Quốc. Phát huy kết nối về giao thông, về kinh tế giữa Lạng Sơn với các tỉnh, với cả nước, giữa VN với ASEAN và Trung Quốc…

Thủ tướng nhấn mạnh việc huy động nguồn lực; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển KT-XH, có tính lan tỏa lớn, nhất là đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc và xây dựng cửa khẩu thông minh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img