Sunday, May 5, 2024

Sôi động cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu

Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU vừa đạt thỏa thuận về kế hoạch tăng cường cung cấp chip bán dẫn ở châu Âu nhằm hạn chế phụ thuộc vào Mỹ và châu Á.

Theo thỏa thuận, EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần chip toàn cầu hiện tại, lên 20% vào năm 2030 và huy động hơn 43 tỷ euro đầu tư công và tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng của châu Âu. Để đáp ứng mục tiêu này, EU sẽ cần tăng gấp 4 lần sản lượng hiện nay.

Kinh phí cho kế hoạch này sẽ được trích từ ngân sách hiện tại của EU. Dự kiến, khối này sẽ huy động 3,3 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực chip. Ngoài ra, thỏa thuận trên cũng bao gồm một hệ thống giám sát tình trạng thiếu nguồn cung trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời nới lỏng các quy tắc viện trợ quốc gia để đẩy mạnh hoạt động sản xuất linh kiện bán dẫn.

Đạo luật chip bán dẫn đặt trọng tâm làm chủ công nghệ và sản xuất chip loại tiên tiến nhất, tức là các chip dành cho siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo mà hiện nay trên thế giới mới chỉ có ba nước sản xuất được là Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. Liên minh châu Âu muốn tập trung cho loại chip cao cấp, chip lượng tử, chứ không chỉ là chip thông dụng cho xe hơi và sản phẩm điện tử thông thường.

Sôi động cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu

Hiện nay, Mỹ độc quyền tới gần một nửa các công nghệ bán dẫn, còn Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất và lắp ráp. Chiến lược phát triển bán dẫn của châu Âu không chỉ dựa trên nguồn ngân sách tài trợ 43 tỷ euro, mà còn dựa vào thế mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Sôi động cuộc đua chip toàn cầu

Với động thái mới nhất này của châu Âu, cuộc đua giành vị thế thống lĩnh về chip bán dẫn trở nên ngày càng sôi động. Cả Mỹ, EU và nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều tích cực chạy đua để mở rộng thị phần chip và hướng tới mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực này.

Chip bán dẫn chỉ nhỏ như chiếc móng tay, nhưng lại là thành phần cốt lõi của gần như tất cả các thiết bị điện tử. Chất bán dẫn là chìa khóa cho một số công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện tự hành và internet vạn vật (IoT). Nhiều công nghệ trong số này có giá trị chiến lược trong quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia.

GS. Mark Lundstrom – Phụ trách Văn phòng Linh kiện bán dẫn, Đại học Purdue, Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ ai cũng hiểu rằng, bất kỳ quốc gia nào muốn kiểm soát vận mệnh của mình đều phải có một ngành công nghiệp bán dẫn vững mạnh”.

Sôi động cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu

Chính vì lẽ đó, các cường quốc công nghệ đều đổ những khoản đầu tư khổng lồ để có thể tự lực làm chủ công nghệ chip bán dẫn. Tháng 3/2021, Trung Quốc cam kết đầu tư số tiền lên tới 1.400 tỉ USD đến năm 2025 cho các công nghệ từ mạng không dây đến AI, phần lớn trong số này sẽ dành cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Đầu tháng trước, YMTC – nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của nước này đã nhận thêm khoảng 7 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong nước.

Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành đạo luật CHIPS và Khoa học vào tháng 8 năm ngoái. Đạo luật chính thức có hiệu lực và cho phép các công ty Mỹ nộp hồ sơ nhận tài trợ bắt đầu từ tháng 2 năm nay. Chính phủ Mỹ dành tới hơn 54 tỷ USD để tài trợ cho nghiên cứu và xây dựng các nhà máy sản xuất chip.

Trong nỗ lực tăng cường cạnh tranh, Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch chi khoảng 450 tỉ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn đến năm 2030. Hàn Quốc tuyên bố sẽ xây dựng cứ điểm sản xuất chip lớn nhất thế giới ở khu vực ngoại ô Thủ đô Seoul.

Sôi động cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu

Nhật Bản tái gia nhập đường đua công nghệ chip với chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trung tâm sản xuất mới ở nước này. Mở đầu bằng khoản trợ cấp gần 3,5 tỷ USD cho liên doanh của TSMC và Sony để xây dựng nhà máy sản xuất chip cao cấp với công suất 45 nghìn tấm bán dẫn mỗi tháng, dự kiến đi vào hoạt động ngay từ năm sau.

Không đứng ngoài cuộc, Liên minh châu Âu đã công bố đạo luật chip mới trị giá 43 tỷ euro. Khoản tiền đó sẽ được cấp cho các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn để khuyến khích họ thiết lập các địa điểm sản xuất ở châu Âu. Bên cạnh đó, khoảng 2 tỉ euro cũng sẽ được cấp cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong cuộc đua về chip bán dẫn, việc phân định kẻ thắng người thua phụ thuộc vào sự cân bằng trong hỗ trợ cho cả sản xuất và sáng tạo đổi mới.

Nhiều minh chứng trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn cho thấy, những thay đổi trong ngành này hầu hết không phải do cạnh tranh trên các thị trường, mà chủ yếu là do sự xuất hiện của những sản phẩm mới, ví dụ như bộ vi xử lý CPU, chip năng lượng thấp, chip di động và mô hình xưởng đúc chip của TSMC. Đổi mới chính là yếu tố có thể làm nên chiến thắng dứt khoát trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img