Ông Huỳnh Ngọc Thạch – Giám đốc điều hành công ty nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ: dự án tái chế được Duy Tân xây dựng với mong muốn thu gom, tái chế lại những sản phẩm nhựa mà công ty này đã đưa ra thị trường. Để thực hiện dự án này, Duy Tân đầu tư nguồn lực rất lớn, lên đến hàng chục triệu USD để xây dựng nhà máy và đầu tư công nghệ tiên tiến từ châu Âu để sản xuất sản phẩm nhựa tái chế đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.

Tái khởi nghiệp, “lão làng” ngành nhựa hưởng lợi từ kinh tế xanh

Dây chuyền phân loại chai nhựa tại nhà máy tái chế của Duy Tân

Dự án được xây dựng vào thời điểm rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn tại Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã và đang chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó, tái chế là mắt xích quan trọng của mô hình này. Tại Việt Nam, ngành tái chế và kinh tế tuần hoàn cũng đang được thúc đẩy tích cực với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Với lợi thế có đội ngũ kỹ sư chuyên môn cao, Duy Tân đã nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi về ngành công nghiệp tái chế nhựa tại châu Âu, cụ thể là Na Uy và đưa về nhà máy tái chế nhựa công nghệ mới: công nghệ Bottles to Bottles (từ chai ra chai) của nhà cung cấp tại châu Âu.

Ông Huỳnh Ngọc Thạch cho biết: công nghệ này cho phép xử lý rác thải đầu vào (chai nhựa) thành hạt nhựa tái sinh đảm bảo đầy đủ các điều kiện: lý tính, hóa tính, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ các hạt nhựa đó, có thể thổi thành chai nhựa mới đảm bảo chất lượng, sử dụng được cho thực phẩm. Trên thế giới, sử dụng công nghệ Bottles to Bottles, một số quốc gia đã tái chế được một sản phẩm hơn 50 lần, tức là kéo dài vòng đời của vật liệu nhựa gấp hơn 50 lần.

Đưa công nghệ này về Việt Nam để sản xuất, các sản phẩm nhựa tái chế của Duy Tân đã đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe để đạt được chứng nhận của châu Âu, Mỹ. Hiện nay, các khách hàng trong nước của Duy Tân là các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh có tên tuổi. Ngoài ra, công ty đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang Mỹ và nhiều nước khác.

Đặc biệt, đầu vào sản xuất đều là rác thải nhựa của Việt Nam, đảm bảo cho nhà máy tái chế đạt công suất khoảng 40 nghìn tấn/năm. Khi hoàn thành dự án, công suất của nhà máy sẽ tăng lên 100 nghìn tấn/năm, góp phần quan trọng trong giảm thiểu rác thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Tái khởi nghiệp, “lão làng” ngành nhựa hưởng lợi từ kinh tế xanh

Rác thải nhựa rất nhiều nhưng khâu thu gom, phân loại dựa vào các vựa ve chai thủ công truyền thống là thách thức cho doanh nghiệp tái chế

Tuy nhiên, để đảm bảo công suất trên, theo ông Huỳnh Ngọc Thạch, thách thức lớn nhất công ty đối mặt là thu gom và phân loại rác thải. Với công suất hiện nay, lãnh đạo công ty tính toán mỗi năm phải thu gom khoảng 5 tỷ chiếc vỏ chai, trong khi việc thu gom dựa vào hệ thống thu gom truyền thống trên thị trường Việt Nam.

“Duy Tân đã xây dựng hệ thống hơn 100 trạm vệ tinh thu gom trong cả nước nhưng các phần việc liên quan thu gom đa phần tự phát. Chẳng hạn, không có mặt bằng chung cho giá thu gom mà phụ thuộc vào cung – cầu, thời điểm, mùa vụ. Chúng tôi không kiểm soát được về giá, sản lượng, chất lượng (chai nhựa làm từ nhiều chất liệu khác nhau, sử dụng nhiều loại keo dán khác)…” – ông Huỳnh Ngọc Thạch cho biết thêm.

Bên cạnh đó, do hệ thống thu gom trải dài cả nước nên chi phí vận chuyển lớn, tạo gánh nặng cho công ty. Công ty chịu thuế VAT, phải có hoá đơn đầu vào nhưng đơn vị thu gom là vựa ve chai không có khái niệm sử dụng hoá đơn trong hoạt động kinh doanh  nên đây là thách thức lớn.

Liên quan đến các quy định, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, hiện chưa có quy định rõ ràng trong việc sử dụng nhựa tái chế vào hoạt động thực tế, quy định đang đồng nhất nhựa tái chế với nhựa vi sinh… cũng tạo bất cập cho hoạt động sản xuất và đầu ra của nhựa tái chế.