PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với DĐDN về khả năng phục hồi tổng cầu trong 6 tháng cuối năm 2023.

Giải bài toán kích thích tổng cầu

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

-Ông bình luận như thế nào về khả năng phục hồi tổng cầu từ nay đến cuối năm 2023?

Tổng cầu của nền kinh tế gồm có 3 thành phần. Đó là, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Về tổng cầu tiêu dùng, đối với tiêu dùng của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 theo quan điểm của tôi sẽ có sự cải thiện. Một phần nhờ mặt bằng lãi suất đã giảm nên kích thích tiêu dùng nhiều hơn thay vì tiết kiệm.

Bên cạnh đó, sự hồi phục của các thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán giúp cho các hộ gia đình được cải thiện. Từ đó cải thiện được phần nào cho tiêu dùng.

Ngoài ra, còn có sự cải thiện trong nước, khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt so với các năm gần đây. Từ đó, giúp cải thiện tiêu dùng trong nước.

Về tổng cầu đầu tư, lãi suất trong nền kinh tế đã xuống với mặt bằng thấp hơn so với trước đây. Điều này cải thiện nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, vì chi phí vốn của doanh nghiệp sẽ thấp hơn.

Tuy nhiên, đối với đầu tư tư nhân không chỉ phụ thuộc vào lãi suất, vì các doanh nghiệp thường có kế hoạch đầu tư dài hạn, việc có đầu tư hay không còn phụ thuộc vào kế hoạch dài hạn.

Đặc biệt, phụ thuộc đầu ra đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Khi khả năng xuất khẩu yếu, cầu tiêu dùng chưa hồi phục thì đầu tư của doanh nghiệp cũng chưa được cải thiện như mong đợi, mặc dù chi phí tiếp cận vốn thấp hơn.

Nhưng đối với doanh nghiệp Việt Nam, chi phí vốn chỉ là một phần, phần khác là doanh nghiệp có đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn lại rất khó khăn, nhất là DNNVV. Đây là nguyên nhân khiến cho đầu tư tư nhân có thể khó hồi phục.

Đối với thành phần đầu tư nhà nước, tôi cho rằng sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2023, bởi nhờ những cố gắng của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công. Đây là động lực tăng trưởng trong nửa cuối của năm 2023.

Về tổng cầu xuất khẩu. Xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thu nhập kinh tế thế giới. Hiện nay, kinh tế thế giới cũng đang trong tình trạng “bấp bênh” giữa suy thoái và tăng trưởng thấp.

Do đó, chúng ta cũng chưa thể kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu từ bên ngoài tăng đột biến. Đặc biệt, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới còn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao, ít nhất là cho đến hết năm 2023.

Tổng cầu đang có những dấu hiệu khó khăn như vậy, theo ông chúng ta cần phải có những giải pháp gì để khôi phục 3 thành phần này?

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp kích thích tổng cầu nhưng có chọn lọc. Đó là, vừa ưu tiên các biện pháp kích thích tổng cầu, vừa cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn để tránh những tác động phụ.

Nếu nhìn vào biểu đồ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua chúng ta sẽ nhận thấy, cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm thì tốc độ tăng trưởng trung bình lại giảm đi. Và muốn tăng được tốc độ tăng trưởng trung bình dài hạn thì cần thiên về các chính sách trọng cung, tức là cải thiện tổng cung tiềm năng.

Trong đó có biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, cải cách DNNN, khuyến khích đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực có thể mang lại tăng trưởng trong dài hạn liên quan đến tiến bộ công nghệ, năng lượng xanh… Đây là những chính sách rất quan trọng trong việc cải thiện tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế.

Tại sao các quốc gia lại có tăng trưởng trung bình khác nhau? Một số quốc gia có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 7%-8%/năm. Trong khi, các quốc gia khác lại chỉ tăng trưởng 3%-4%/năm, thậm chí thấp hơn? Đó là nhờ vào những chính sách “giải phóng” các nguồn lực sản xuất trong nền kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Còn với chính sách kích thích tổng cầu chỉ có tác động trong ngắn hạn. Tức là, trong một thời điểm nào đó nền kinh tế gặp phải các “cú sốc”, như cú sốc từ bên ngoài, đứt gãy niềm tin liên quan đến thị trường tài sản hiện nay ở Việt Nam thì sử dụng chính sách quản lý tổng cầu kích thích nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu đầu tư của nền kinh tế… để làm tăng nhu cầu chi tiêu của các bộ phận trong nền kinh tế, từ đó kích thích sản xuất của doanh nghiệp.

Nhưng biện pháp này chỉ có tác động tạm thời, nếu lạm dụng sẽ bị rơi vào tình trạng lạm phát, hoặc “bong bóng” giá tài sản, sau đó lại phải “thắt chặt” như thời kỳ Việt Nam đã trải qua trước đây trong các năm 2009, 2011 hay trong giai đoạn Covid-19 vừa qua.

Chúng ta nhìn thấy rất rõ các nước lớn trên thế giới khi họ kích thích tổng cầu quá nhiều, thiên về chính sách tiền tệ, bơm tiền ra nhiều, hạ lãi suất bằng 0. Hậu quả là phải “thắt chặt” tổng cầu trở lại. Và khi “thắt chặt” sẽ gây ra thất nghiệp, suy giảm tăng trưởng, thậm chí làm hỗn loạn nền kinh tế. Đây là những bài học mà Việt Nam có thể học và “tránh”.

Theo ông, để kích thích tiêu dùng trong nước chúng ta sẽ phải thực hiện những biện pháp nào để chính sách đi đúng hướng? Ông bình luận như thế nào về việc giảm thuế đối với ô tô sản xuất trong nước vừa qua?

Muốn kích thích tiêu dùng trong nước, chúng ta phải thực hiện một số nguyên tắc. Một là, kích thích phải đúng đối tượng. Cụ thể, kích thích tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước. Còn nếu kích thích tiêu thụ hàng hoá nhập khẩu có nghĩa chúng ta đang kích thích cầu của nước ngoài.

Hai là, muốn kích thích tiêu dùng thì phải đưa ra các biện pháp khuyến khích vào các đối tượng họ đang có nhu cầu tiêu dùng nhưng đang thiếu biện pháp khuyến khích, thiếu thu nhập để thực hiện tiêu dùng.

Nếu kích thích vào đối tượng là những người giàu, có nhiều tài sản thì dù có đưa ra biện pháp khuyến khích thì họ cũng không tăng tiêu dùng, vì nhu cầu của tầng lớp người này đã được thoả mãn với mức tài sản hiện tại.

Do đó, muốn kích thích tiêu dùng thì phải kích thích vào các đối tượng có nhu cầu chi tiêu cao, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Khi chúng ta đưa cho người thu nhập thấp 1 đồng khuyến khích, họ sẽ dùng 1 đồng đó để tiêu dùng. Tức là chúng ta kích thích phản ứng tiêu dùng của họ.

Ba là, phải tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước.

Ở Việt Nam hiện nay có hai biện pháp nổi bật trong việc kích thích tiêu dùng. Thứ nhất, giảm thuế trước bạ ô tô để kích thích người mua xe. Như chúng ta đã biết, cấu thành giá trị của một chiếc ô tô chủ yếu đến từ nước ngoài, chúng ta chỉ làm gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

Như vậy, khi khuyến khích người dân mua ô tô thì nước sản xuất các linh kiện ô tô được hưởng lợi là chính, doanh nghiệp trong nước cũng có nhưng không nhiều. Chính sách này theo tôi chưa thật hiệu quả vì đối tượng mua xe ô tô là những người có thu nhập cao, không phải là những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ trong nền kinh tế. Do đó, chính sách này chưa hoàn hảo.

Thứ hai, giảm thuế 2% VAT. Tôi cho rằng, quy mô gói hỗ trợ này vẫn còn ít và dàn trải, giảm tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế, bao gồm cả nhập khẩu và nội địa.

Theo tôi, muốn khuyến khích tiêu dùng đồng thời cùng với các mục tiêu an sinh xã hội thì nên hướng giảm VAT vào nhóm những mặt hàng thiết yếu, để giúp cho những người có thu nhập thấp chi tiêu và thanh toán được đối với những hàng hoá thiết yếu đó. Còn với những người có thu nhập cao thì không nhất thiết phải hỗ trợ hàng hoá thiết yếu.

Đặc biệt, hàng hoá thiết yếu phải tập trung vào hàng hoá nội địa, những hàng hoá do Việt Nam sản xuất, cung ứng trong nước. Còn với hàng hoá nhập khẩu sẽ không hiệu quả cho nền kinh tế. Nhìn chung, hiện nay các chính sách khuyến khích tiêu dùng ở Việt Nam chưa nhiều, chưa hiệu quả.

Muốn kích thích tiêu dùng chúng ta cần phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội, xác định đối tượng nào thu nhập thấp, đang thất nghiệp do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và do khó khăn trong nước để trợ cấp tiền mặt, khi đó mức tăng tiêu dùng sẽ rất nhanh.

Ngoài ra, Chính phủ, Quốc hội có thể cân nhắc biện pháp nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay của Việt Nam còn quá thấp và tăng không tương xứng với CPI.

Mặc dù, CPI chưa phản ánh hết tình hình giá cả trong nền kinh tế. Nhưng chúng ta đều biết, hơn 10 năm qua chi phí sinh hoạt, nhất là những người sống ở thành phố có thể đã tăng gấp hai lần. Trong khi đó, mức thu nhập giảm trừ gia cảnh chỉ tăng từ 9 triệu – 10 triệu đồng, tức là tăng 2 triệu, khoảng hơn 20%, mức tăng này quá thấp.

Với một người sinh sống ở thành phố với mức 11 triệu chắc chắn sẽ không thể trang trải được hết chi phí sinh hoạt. Do đó, cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh lên để hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp đủ trang trải chi phí sinh hoạt.

Mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng như vậy, khoảng hơn 4 triệu. Một gia đình ở thành phố cho con học trường tư sẽ không đủ, trong khi hệ thống trường công lại thiếu.

Như vậy, là những người phải nộp thuế nhưng lại không có cơ hội cho con học trường công thì đây là một sự thiệt thòi, không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông. Do đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với những đối tượng này.

-Trân trọng cảm ơn ông!