Saturday, April 27, 2024

Israel chịu áp lực lớn từ Mỹ về cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza

Sau khi nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu lệnh ngừng bắn ở Gaza được thông qua do Mỹ không dùng quyền phủ quyết, Israel tiếp tục đối mặt với sức ép từ nhiều phía yêu cầu phải dừng kế hoạch tấn công trên bộ vào Rafah cũng như phải tạo điều kiện hơn nữa cho hàng viện trợ vào dải đất của người Palestine.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm qua (26/3) đã tiến hành ngày đàm phán thứ 2 với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nhằm gây áp lực để Israel không mở chiến dịch trên bộ ở Rafah. Cuộc họp diễn ra 1 ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đột ngột ngăn cản phái đoàn cấp cao của nước này gặp gỡ những người đồng cấp Mỹ, trong bối cảnh quan hệ giữa 2 đồng minh xuống mức thấp mới.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan cam kết sự hỗ trợ “sắt đá” của Mỹ dành cho Israel nhưng yêu cầu Israel cần “làm nhiều hơn nữa để duy trì và mở rộng viện trợ nhân đạo tới Gaza”. Bà Karine Jean-Pierre cho biết, điều quan trọng là Israel phải làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn thương vong cho dân thường và hoạt động quân sự một cách chiến lược và chính xác nhất có thể để bảo vệ dân thường ở Rafah”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng ngăn chặn Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza vì điều kiện nhân đạo tồi tệ tại đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller hôm qua (26/3) cho biết, Mỹ đang nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xem xét các giải pháp thay thế việc tấn công trên bộ vào Rafah, nơi trú ẩn cuối cùng của dân thường Palestine:

“Chúng tôi muốn tổ chức cuộc gặp với Israel để bàn những cách thay thế nhằm đạt được các mục tiêu an ninh là đánh bại các nhóm quân Hamas ở Rafah, bởi vì chúng tôi tin rằng sẽ có lợi khi làm điều này theo cách tốt hơn. Chúng tôi tin rằng một chiến dịch quân sự toàn diện ở Rafah sẽ không chỉ gây tổn hại dân sự cho người dân Palestine mà còn cản trở dòng viện trợ nhân đạo, hầu hết trong số đó đều đi qua khu vực Rafah và ban đầu được phân phối qua Rafah. Chúng tôi cũng tin rằng hoạt động quân sự như vậy sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Israel. Nó sẽ khiến Israel bị cô lập hơn trên thế giới, tách Israel ra khỏi các quốc gia vốn là đối tác lâu năm của nhau”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, cho biết chính quyền dự kiến sẽ đệ trình báo cáo lên Quốc hội Mỹ trước ngày 8/5 nhằm nhắc nhở các quốc gia nhận vũ khí của Mỹ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không ngăn chặn hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Tuần trước Israel đã gửi văn bản đảm bảo rằng việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp không nhằm mục đích vi phạm luật nhân đạo ở Gaza.

Trong bối cảnh số người chết tăng vọt và tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đã gây ra lo ngại về nạn đói, hành vi của quân đội Israel đang bị giám sát chặt chẽ hơn và ngày càng có nhiều lời kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra các điều kiện đối với vũ khí mà nước này gửi tới Israel. Các đảng viên đảng Dân chủ cánh tả và các nhóm người Mỹ gốc Arab tại Quốc hội Mỹ đã chỉ trích sự ủng hộ kiên định của chính quyền Mỹ dành cho Israel, cho rằng điều này tạo cho Israel cảm giác được miễn trừng phạt.

Phát biểu trước Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc ở Geneva, bà Francesca Albanese, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại các Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng cho rằng chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza kể từ ngày 7/10/2023 đã cấu thành tội diệt chủng và kêu gọi các nước ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận vũ khí. Các quốc gia vùng Vịnh như Qatar, cũng như các nước châu Phi bao gồm Algeria và Mauritania đã lên tiếng ủng hộ những phát hiện của báo cáo viên Albanese và cảnh báo về tình hình nhân đạo.

Tuy nhiên, phái đoàn ngoại giao của Israel tại Geneva cho biết việc sử dụng từ diệt chủng là “thái quá” và cho biết cuộc chiến nhằm chống lại Hamas chứ không phải thường dân Palestine.

Trong khi đó, các cơ quan viện trợ cho biết chỉ khoảng 1/5 số hàng cứu trợ cần thiết được đưa vào Gaza vì Israel tiếp tục các cuộc tấn công trên không và trên bộ, đẩy một phần Gaza vào nạn đói. Các tổ chức này cho biết việc vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường biển trực tiếp tới các bờ biển Gaza không thể thay thế được đường bộ hiệu quả nhất qua Israel hoặc Ai Cập.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img