Để xuất khẩu nông sản bền vững, khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế, yêu cầu về sản xuất và tiêu thụ đồng nhất, phù hợp với yêu cầu thị trường là con đường bắt buộc nông dân, doanh nghiệp phải đi.

Doanh nghiệp liên kết để “đồng chất” nông sản xuất khẩu

Chỉ khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng, thậm chí trong số  đó không phải chuỗi nào cũng mang tính liên kết bền vững.

Tuy nhiên, với thực trạng vùng nguyên liệu còn manh mún nhỏ lẻ trong tay hàng triệu nông hộ thì vấn đề “đồng nhất” tạo “đồng chất” sản phẩm xuất khẩu là bài toán đau đầu các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không ít doanh nghiệp đã bắt tay liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bởi doanh nghiệp hiểu rằng, việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị, đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và đồng nhất chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ.

Nói như ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T cũng cho biết, doanh nghiệp hiện đang phát triển 3 nhà máy sơ chế, đóng gói trái cây xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Canada tại 3 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Bến Tre và Tiền Giang với các sản phẩm dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn, xoài cát chu, thanh long, xoài tượng nên đã liên kết sản xuất nhiều diện tích sản xuất trái cây ở khu vực này.

Yêu cầu của thị trường nhập khẩu cần sự đồng nhất về chất lượng sản phẩm, cũng như kích cỡ, vì vậy, doanh nghiệp thông qua đơn vị liên kết là các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập huấn cho nông dân quy chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất đồng nhất, mới có nguồn nguyên liệu lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Hồng Nga, Công ty TNHH Quốc Thảo cũng cho biết, với chủ trương muốn nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất trực tiếp, nghiên cứu và đóng lon các mặt hàng nông sản.

“Công ty đã không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng của FDA, HACCP, ISO 22000… Chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng không chỉ đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng mà còn giúp tạo niềm tin và thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường quốc tế”, bà Dương Thị Hồng Nga nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, liên kết là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.

Doanh nghiệp liên kết để “đồng chất” nông sản xuất khẩu

Với thực trạng vùng nguyên liệu còn manh mún nhỏ lẻ trong tay hàng triệu nông hộ thì vấn đề “đồng nhất” tạo “đồng chất” sản phẩm xuất khẩu là bài toán đau đầu các doanh nghiệp.

Hiện tại, chỉ khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng, thậm chí trong số 20% đó không phải chuỗi nào cũng mang tính liên kết bền vững. Làm sao để nâng cao chuỗi liên kết là vấn đề đặt ra, để giải mã được thì phải phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, là chuỗi liên kết chặt chẽ tại các vùng nguyên liệu.

“Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Chỉ có liên kết thì mới có thể đảm bảo yêu cầu, đảm bảo chuẩn mực của thị trường. Và, chỉ có kinh tế hợp tác, hợp tác xã mới giải quyết tốt bài toán liên kết, bởi sản phẩm là cái mà chúng ta làm ra được, thương phẩm là cái mang lại giá trị ngoài thị trường”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Khẳng định hướng đi này, ông Lê Thanh Tùng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh: “Chỉ có mối liên kết chuỗi chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ mới đảm bảo được điều này. Từ đó tạo nên uy tín cho vùng nguyên liệu cũng là uy tín của khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp liên kết với các địa phương để liên kết tổ chức, tiêu thụ nông sản đây là bước tiến trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng là bước tiến trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho nông dân khu vực nông thôn.

Con đường tiêu thụ nông sản là con đường phải vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt theo những chuẩn của những quốc gia thu mua, nó có thể có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau và muốn bán được phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, không có con đường nào khác ngoài phải đáp ứng tiêu chuẩn của người thu mua.

TS Lâm Tuấn Hưng,  Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương thì cho rằng, trên cơ sở thông tin thị trường, doanh nghiệp cần gắn kết chặt chẽ với nhà nông, định hướng, đặt hàng nhà nông trong sản xuất theo nhu cầu thị trường về sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hỗ trợ về vật tư, tài chính để người nông dân yên tâm tập trung sản xuất.

Đồng thời, lựa chọn những sản phẩm nông sản mà Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu cao để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu. Thực hiện việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến lớn có thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cần có giải pháp tổng thể bảo đảm an toàn thực phẩm tuân theo những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc tế đáp ứng yêu cầu khách hàng quốc tế.