Tuesday, April 30, 2024

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tìm cách để không còn kết quả bất thường

Phân tích những kết quả bất thường trong kỳ thi năm trước của từng môn, tổ chức thi thử trên quy mô toàn thành phố, lập ra các lớp học đặc biệt… là điều mà Sở GD-ĐT Hà Nội và các trường đang làm để nâng cả lượng và chất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

TỶ LỆ TỐT NGHIỆP CAO NHƯNG ĐIỂM MỘT SỐ MÔN QUÁ THẤP, VÌ SAO ?

Ông Lê Hồng Vũ, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho biết năm 2023 Hà Nội có 98.206 thí sinh đỗ tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 99,56%, tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ thứ 27 lên vị trí 16).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp hơn mức trung bình thành phố; có những trường không có sự chuyển biến về chất lượng qua từng năm, thậm chí tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm sau thấp hơn năm trước; một số trường điểm tuyển sinh đầu vào cao, tỷ lệ học sinh (HS) đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100% nhưng vẫn có môn học điểm số của HS lại thấp bất thường…

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội, những đơn vị có tỷ lệ HS tốt nghiệp thấp hơn trung bình hoặc không có chuyển biến đều là những trường có điểm đầu vào thấp, HS gặp khó khăn trong học tập. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế – xã hội ở những khu vực này còn khó khăn nhất định, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường còn nhiều bất cập.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tìm cách để không còn   kết quả bất thường

Học sinh lớp 12 của Hà Nội tham dự kỳ “thi thử” tốt nghiệp THPT 2024

H.HẠNH

Đáng chú ý, Sở GD-ĐT nêu tình trạng HS Hà Nội từ nhiều năm nay xét tuyển ĐH bằng các chứng chỉ quốc tế, không phụ thuộc vào kết quả các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nhiều HS cho rằng chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, không cần cạnh tranh, không cần cố gắng để đạt điểm cao hơn, dẫn đến phổ điểm một số môn thi của HS chưa cao.

Một số trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100%, vẫn có môn học điểm số của HS lại thấp bất thường. Do vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường được “điểm danh” cần tìm mọi giải pháp để khắc phục kết quả tốt nghiệp THPT của năm trước cho kỳ thi năm nay.

LỚP ÔN THI ĐẶC BIỆT VÀ NHỮNG HS ĐẶC BIỆT

Bà Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, cho rằng việc học tập, ôn luyện và củng cố kiến thức phải được thực hiện từ lớp 10 chứ không đợi đến lớp 12. Vì vậy, mỗi năm nhà trường có 4 kỳ kiểm tra định kỳ với HS từ lớp 10 đến lớp 12 ở tất cả các môn. Những HS có điểm dưới 5 sẽ tham gia “lớp học đặc biệt”, được nhà trường phân công giáo viên (GV) có kinh nghiệm giảng dạy miễn phí vào cuối giờ học buổi chiều. Cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm động viên HS, GV bằng nhiều hình thức, trong đó có việc khen thưởng GV có nhiều HS đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp.

Tương tự, ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên A (H.Phú Xuyên), nêu cách làm: Ngay khi HS vừa vào lớp 10, nhà trường sắp xếp lớp có trình độ ngang nhau để tạo ganh đua cho HS. Dẫu vậy, ông Dũng bày tỏ lo lắng khi chất lượng vẫn thua kém nhiều trường khác. Ông kiến nghị: “Sĩ số đang 45 em/lớp, nếu giảm dần đến con số 35 sẽ rất lý tưởng để GV có điều kiện quan tâm từng HS”.

Ông Nghiêm Hồng Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan – Thạch Thất, thì nêu thực tế, do đặc thù địa phương có nhiều làng nghề, có điều kiện tham gia các hoạt động kinh tế nên nhiều HS không mặn mà với việc thi đỗ tốt nghiệp và sẵn sàng nghỉ học. Có HS đã lập gia đình từ năm học lớp 11. Năm 2023, trường có 7 HS trượt tốt nghiệp, trong đó có 1 HS ngủ quên ở môn thi tiếng Anh. Đây là điều năm nay nhà trường cần rút kinh nghiệm, quan tâm hơn không chỉ việc học mà hoàn cảnh của gia đình HS, để tăng cường hỗ trợ, phối hợp với cả HS và phụ huynh nắm rõ quy chế thi, tránh sai sót đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, Trường THPT Xuân Giang, H.Sóc Sơn có tổng điểm thi xếp thứ 44 nhưng riêng môn ngoại ngữ xếp thứ 136. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng có phần do trình độ, năng lực GV chưa tốt, HS chưa có điều kiện học thêm và các em chỉ coi môn ngoại ngữ là môn điều kiện để tốt nghiệp nên không nỗ lực hết sức.

Ông Thành cho biết chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, nhà trường yêu cầu GV bám sát đề minh họa để xây dựng kế hoạch ôn tập. Phân loại HS, trong đó những em yếu kém, bước đầu giao cho GV bồi dưỡng kiến thức ở mức cơ bản với mục tiêu nhích từng điểm; HS giỏi thì tăng cường kiến thức phân hóa để các em có thể đạt kết quả cao, có thể dự tuyển ĐH tốp đầu.

Bà Trần Thị Hải Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Tự Lập (H.Mê Linh), đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội tập hợp GV cốt cán các trường xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Căn cứ ngân hàng đề và năng lực HS, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Đồng thời, Sở GD-ĐT cần cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống học và thi trực tuyến hanoi.study để HS tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tìm cách để không còn   kết quả bất thường

Các nhà trường điều chỉnh trong tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh bảo đảm hiệu quả cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới

H.HẠNH

THI THỬ ĐỂ ÔN TẬP TRÚNG HƠN TRONG GIAI ĐOẠN “NƯỚC RÚT”

Cuối tuần qua, hơn 116.000 HS lớp 12 của Hà Nội đã tham dự kỳ “thi thử” tốt nghiệp THPT 2024 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức nhằm giúp HS chuẩn bị trước kỳ thi chính thức. Kết quả không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá HS, song là một cuộc tập dượt cho HS về quy chế thi, biết kết quả của mình đến đâu để có định hướng ôn tập tốt hơn.

Ông Lê Văn Dũng cho rằng sau kỳ khảo sát này, đầu tháng 5, nhà trường sẽ có thêm một kỳ thi thử cho HS lớp 12 để các em biết lực học của mình và để thầy cô đánh giá, đưa ra biện pháp tăng cường kiến thức, kèm cặp thêm HS còn hổng kiến thức trong giai đoạn “nước rút”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Q.Tây Hồ), cho biết các nhà trường đều xác định đây là cuộc tập dượt không chỉ với HS mà còn với cả với từng cán bộ, GV để có thêm kinh nghiệm khi tham gia làm nhiệm vụ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tới.

Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên), chia sẻ sau khi có kết quả khảo sát, nhà trường sẽ phân tích điểm số của từng HS để kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức ôn tập. Cũng thông qua kết quả khảo sát, GV bộ môn sẽ có biện pháp hỗ trợ HS phù hợp. Mỗi HS cũng tự rút ra kinh nghiệm trong việc làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu cần bù lấp, những kỹ thuật làm bài còn chưa nắm vững. 

Phần mềm trực tuyến giúp HS ôn tập miễn phí, tự kiểm tra, đánh giá

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết căn cứ kết quả khảo sát, Sở sẽ chỉ đạo các nhà trường kịp thời có điều chỉnh trong tổ chức dạy học, ôn tập cho HS bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thời gian còn lại của năm học. Sở cũng đề nghị các nhà trường tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây ở từng lớp, tiến hành phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể. Đồng thời, các đơn vị tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng của trường; thành lập các nhóm chuyên môn giữa các cụm, giữa các trường trong cụm, trong TP để chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu ôn tập; tổ chức đánh giá đúng thực lực HS để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp.

Cùng với việc tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 trên truyền hình, Sở GD-ĐT Hà Nội còn chỉ đạo các phòng liên quan rà soát, cập nhật thêm các bài kiểm tra trên trang Học và thi trực tuyến của ngành tại địa chỉ https://study.hanoi.edu.vn/. Việc này nhằm giúp HS có thể tự ôn tập miễn phí, tự kiểm tra, đánh giá mức độ đạt được của mình ở từng môn học, từ đó kịp thời có sự điều chỉnh trong phương pháp học tập với những môn còn chưa đạt yêu cầu.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img