PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nhấn mạnh tại diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 11/04/2024.

Theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu, năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển mạnh tại Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng. Thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, phù hợp với quy hoạch hệ thống năng lượng quốc gia.

ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KCN: Lợi ích kép cho doanh nghiệp

PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế

Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới tạo ra những cơ hội phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng. Để chuyển đổi năng lượng công bằng, mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

PGS. TS Nguyễn Anh Thu cho biết: lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp mang lại lợi ích to lớn. Nhiều đơn vị triển khai điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng so với sử dụng điện hệ thống. Tuy nhiên, sau Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở; chưa khuyến khích các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn như các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong khu công nghiệp lớn.

Nhiều bộ ngành và doanh nghiệp đã kiến nghị mở rộng cơ chế ưu đãi, phạm vi lắp đặt điện mặt trời tại các cơ sở như trường học, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, trang trại, nhà kho… Nguồn năng lượng này vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chứng chỉ xanh xuất khẩu vào các thị trường lớn như châu Âu. Với quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Việt Nam, chứng chỉ xanh cho hàng hoá xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng.

Ở góc độ khác, PGS. TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh: là điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, Việt Nam đang định hướng thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư, các dự án công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Để thực hiện được chủ trương này, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, trong đó, điều kiện quan trọng là cần có nguồn năng lượng sạch.

ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KCN: Lợi ích kép cho doanh nghiệp

Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức 

Chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời mái nhà vì thế có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, bao gồm cả quy định cụ thể về điện mặt trời mái nhà, hành lang pháp lý và chính sách khuyến khích các tổ chức có chức năng chuyên kinh doanh đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Thiếu những quy định này khiến các chủ đầu tư khó có thể trực tiếp triển khai lắp đặt, giảm đi khả năng phát triển năng lượng tái tạo mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn và được khuyến khích phát triển trong Quy hoạch điện VIII.

Theo bà Anh Thu, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trực thuộc trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị nghiên cứu đề xuất các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như các cải cách thể chế, chính sách. Trong đó, có cải cách cởi bỏ những rào cản trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng giúp kích hoạt nhiều mô hình khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, kích hoạt được các nguồn tài chính xanh khổng lồ đang sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới, tạo thêm công ăn việc làm. Và theo bà, quan trọng nhất là giúp nền sản xuất công nghiệp Việt Nam dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu mới.