Mới đây, theo bản công bố tình hình tài chính định kỳ gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, CTCP Pizza 4PS, đơn vị sở hữu thương hiệu Pizza 4P’s, báo lãi sau thuế 115 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022, đồng thời không còn nợ trái phiếu.

Pizza 4P’s đã đến thời điểm “hái quả ngọt”?

Kết quả kinh doanh ấn tượng của Pizza 4PS trong năm 2023. Nguồn VietstockFinance.

Như vậy, năm 2023 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Pizza 4PS có lãi, sau khi liên tục chịu lỗ trước đó. Cụ thể, năm 2021, công ty báo lỗ gần 38 tỷ đồng, trước đó năm 2020 lỗ 20,8 tỷ đồng, theo thông tin gửi nhà đầu tư trái phiếu về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.

Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã biến quãng thời gian của những năm 2020 – 2021 thành khoảnh khắc của sự thử thách đối với các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ và nhà hàng, và thương hiệu Pizza 4P’s cũng là một trong những nạn nhân của cơn bão đó. Tuy nhiên, chuỗi này đã có chiến lược khác biệt và khai thác có hiệu quả tập khách hàng cũng như hệ sinh thái của mình, và cuối cùng đã có sự trở lại một cách ngoạn mục.

Cơ hội từ thị trường

Theo các chuyên gia phân tích, bối cảnh kinh doanh chuỗi nhà hàng pizza tại Việt Nam hiện đang đầy thú vị và tiềm năng. Người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên ngày càng quen thuộc và đa dạng hóa hơn trong việc thưởng thức ẩm thực quốc tế, bao gồm cả pizza. Điều này tạo ra cơ hội cho các chuỗi mở rộng thị trường và tăng doanh số bán hàng. Ngoài ra, sự phát triển của các dịch vụ giao hàng đồ ăn gần đây cũng tạo ra cơ hội cho các chuỗi pizza thuận tiện hóa việc mua sắm và tiếp cận khách hàng.

Pizza 4P’s đã đến thời điểm “hái quả ngọt”?

Thị trường chuỗi nhà hàng pizza tại Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng.

Mặc dù, vẫn còn đó không ít những thách thức đối với các thương hiệu. Thị trường ngày càng cạnh tranh với sự gia nhập của các chuỗi pizza quốc tế như Pizza Hut, Domino’s, Lotteria và chuỗi pizza trong nước. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh cao và đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như phát triển chiến lược marketing hiệu quả.

Ngoài ra, những thách thức về nguyên liệu và chi phí với các chuỗi Pizza khiến cho không ít những người chơi trong lĩnh vực này gặp khó khăn. Việc tìm kiếm nguyên liệu chất lượng cao với giá cả hợp lý chưa bao giờ là dễ dàng với các thương hiệu. Chi phí nguyên liệu và chi phí chung tăng cao có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các chuỗi cửa hàng pizza. Do đó, việc quản lý chuỗi cung ứng và chi phí vận hành một cách hiệu quả là rất quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững.

Nhìn chung, để thành công các doanh nghiệp cần phát triển chiến lược linh hoạt và sáng tạo để tận dụng cơ hội thị trường và đối phó với các thách thức đang tồn tại. Đối mặt những vấn đề này, dường như Pizza 4P’s đã có những phương án giải quyết một cách hiệu quả bằng những chiến lược của sự khác biệt.

Chiến lược của sự khác biệt

Hiện tại, Pizza 4P’s là một chuỗi nhà hàng pizza rất nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng, không có nhiều người biết rằng thương hiệu này được sáng lập bởi cặp vợ chồng người Nhật Bản, Yosuke và Sanae Masuko từ những năm 2008.

Pizza 4P’s đã đến thời điểm “hái quả ngọt”?

Thương hiệu Pizza 4P’s đã có những chiến lược kinh doanh khác biệt.

Khi mới ra mắt, Pizza 4P’s phải đối mặt với không ít những khó khăn, từ việc xây dựng và tăng cường nhận thức thương hiệu trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam cho đến sự khác biệt về văn hóa ẩm thực cùng việc cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Thương hiệu Pizza 4P’s được lấy cảm hứng từ những bữa tiệc pizza tại sân sau nhà Yosuke ở Nhật Bản vào năm 2005. Nhưng, những người sáng lập không dừng lại ở đó, họ đã đi khắp thế giới – từ Ấn Độ đến nước Ý, để trau dồi kỹ năng thủ công của họ từ những nhà sản xuất bánh pizza & pho mát giỏi nhất. Từ đó, đem lại cho Pizza 4P’s một hương vị và chất lượng khác biệt.

Bên cạnh đó, Pizza 4P’s được cho là một trong những thương hiệu có sự “giao thoa văn hóa” một cách rất thành công. Họ áp dụng một khái niệm đã được thử nghiệm thành công ở Nhật Bản và phương Tây nhưng lại hiếm ở Việt Nam, đó là việc cho ra đời những chiếc bánh pizza “từ nông trại đến bàn ăn”, cung cấp thực phẩm an toàn, khép kín từ sản xuất đến chế biến, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Sự đa dạng và đổi mới cũng là những điểm mạnh của Pizza 4P’s. Những ngày đầu, một số cựu nhân viên đã chuyển đến một tiệm bánh pizza khác và sao chép một số món ăn đặc trưng. Để chống lại điều này, Pizza 4P’s không ngừng đổi mới và cải tiến menu của mình bằng cách thêm vào các loại pizza mới và các món ăn phụ khác biệt. 

Hơn nữa, Pizza 4P’s còn mang lại một phong cách dịch vụ mới và độc đáo với việc kết hợp giữa ẩm thực pizza và không gian cà phê. Cùng với những chiến lược giá cả hợp lý, cách tiếp cận thị trường địa phương đa dạng và tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, giúp họ tạo ra một đặc điểm cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường Việt Nam.

Bằng cách kết hợp các yếu tố này, có vẻ Pizza 4P’s đã dần xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ và được lòng khách hàng tại Việt Nam. Với những kết quả tích cực trên, dường như đã phản ánh hướng đi đúng đắn của thương hiệu, ngay cả khi thị trường ẩm thực Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt.