Tuesday, April 30, 2024

Thế nào được coi là ‘tình tiết giảm nhẹ khác’?

TAND tối cao xây dựng nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại điều 51 và điều 52 của bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó đề xuất 6 tình tiết có thể coi là ‘tình tiết giảm nhẹ khác’.

Hồi tháng 5.2023, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), một bị cáo được giảm án từ 3 năm tù giam xuống 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, do có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Trong số này, tòa ghi nhận bị cáo có con trai được Sở GD-ĐT Hà Nội tặng giấy khen, được UBND TP.Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế.

TAND tối cao đề xuất 6 tình tiết có thể coi là “tình tiết giảm nhẹ khác”

TAND tối cao đề xuất 6 tình tiết có thể coi là “tình tiết giảm nhẹ khác”

PHÚC BÌNH

Quyết định của tòa nhận được sự quan tâm từ dư luận, bởi lẽ việc công nhận thành tích học tập, lao động của bản thân để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là thường gặp, nhưng sử dụng thành tích học tập của con cái để xem xét giảm án cho cha mẹ lại là khá hiếm.

Đề xuất 6 “tình tiết giảm nhẹ khác”

Đây không phải trường hợp duy nhất gây tranh luận xung quanh việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015 liệt kê 22 tình tiết giảm nhẹ mà người phạm tội có thể được hưởng. Ngoài ra, khoản 2 điều luật còn quy định thêm “tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.

Mấu chốt nằm ở “tình tiết khác”. Vì không liệt kê cụ thể như 22 tình tiết ở khoản 1, “tình tiết khác” giúp HĐXX có thể linh hoạt, áp dụng với các trường hợp phát sinh trong thực tế mà 22 tình tiết chưa thể bao hàm hết. Nhưng cũng vì không liệt kê và áp dụng linh hoạt, nhiều người còn băn khoăn, thậm chí lo ngại tình trạng tùy tiện khi cho người phạm tội được hưởng “tình tiết khác”.

Để giải quyết vấn đề trên, TAND tối cao đang xây dựng nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại điều 51 (về tình tiết giảm nhẹ) và điều 52 (về tình tiết tăng nặng) của bộ luật Hình sự năm 2015. Tại dự thảo, TAND tối cao hướng dẫn chi tiết cách áp dụng đối với 22 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51. Đặc biệt, cơ quan này bổ sung và liệt kê 6 tình tiết giảm nhẹ mới có thể coi là “tình tiết khác”.

Một là, thiệt hại do lỗi của người thứ ba. Hai là, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản. Ba là, phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Bốn là, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có huân, huy chương. Năm là, bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của UBND cấp xã, cấp huyện, công ty, xí nghiệp tặng giấy khen.

Sáu là, bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Mẹ VN anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.

Tránh tùy tiện, tiêu cực

Luật sư (LS) Hà Công Tâm, Đoàn LS TP.Hà Nội, cho biết hiện nay chưa có nghị quyết hướng dẫn nào của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao liên quan đến áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong bộ luật Hình sự năm 2015. Các hướng dẫn nếu có vẫn còn tản mác ở một số văn bản hướng dẫn mang tính vụ việc của TAND tối cao như giải đáp thắc mắc hoặc sổ tay thẩm phán…

Thực tế khi bào chữa, các LS phải vận dụng quy định tại nhiều văn bản khác nhau, hoặc cả một số nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng điều luật tại bộ luật Hình sự năm 1999. Nếu dự thảo của TAND tối cao được thông qua, đây sẽ là căn cứ pháp lý để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng áp dụng dễ dàng, thuận lợi hơn.

Riêng quy định về “tình tiết giảm nhẹ khác” tại khoản 2 điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015, do chưa có nghị quyết hướng dẫn cụ thể nên phát sinh những bất cập nhất định. Ví dụ, người bào chữa đề nghị áp dụng một tình tiết ngoài 22 tình tiết được quy định tại khoản 1 điều 51 để giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội, thì việc có chấp nhận hay không phần lớn phụ thuộc vào ý chí của thẩm phán và HĐXX. Mà ý chí thì không phải thẩm phán nào cũng giống nhau. Điều này rất dễ dẫn tới sự không thống nhất, thậm chí là tùy tiện, tiêu cực.

LS Tâm nhận định, việc xây dựng nghị quyết của TAND tối cao là rất cần thiết, giúp áp dụng thống nhất giữa tòa án các cấp, các địa phương và các vụ án khác nhau; sẽ không còn xảy ra tình trạng cùng tình tiết đó nhưng vụ án này thì được coi là tình tiết giảm nhẹ, vụ án khác lại không.

Với 6 tình tiết được liệt kê, HĐXX khi áp dụng “tình tiết khác” để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội cũng sẽ có căn cứ pháp lý, mang tính thuyết phục cao hơn. Quy định như dự thảo còn giúp hạn chế tình trạng áp dụng tình tiết giảm nhẹ tùy tiện, không có căn cứ; làm giảm lượng án bị sửa hoặc hủy do áp dụng tình tiết giảm nhẹ không đúng.

Cần tạo “dư địa” tự quyết cho thẩm phán

Ủng hộ việc xây dựng nghị quyết sẽ giúp áp dụng “tình tiết khác” thống nhất, tránh tùy tiện, nhưng LS Nguyễn Thị Kim Vinh, Đoàn LS TP.HCM, nguyên Thẩm phán TAND tối cao, cho rằng vẫn cần có “độ mở” nhất định cho HĐXX nói chung và thẩm phán nói riêng. “Với phép toán thì 1 cộng 1 bằng 2, nhưng với áp dụng pháp luật thì đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và cả trái tim của người thẩm phán, thể hiện qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở của nguyên tắc nhân đạo và có lợi cho người phạm tội”, bà Vinh nói.

Để tránh tùy tiện khi áp dụng “tình tiết khác”, LS Vinh cho rằng cơ quan soạn thảo nên quy định mang tính tương đối về những trường hợp có thể phát sinh, kết hợp với tập huấn, hướng dẫn đội ngũ thẩm phán, đồng thời quy định rõ khi áp dụng thì phải giải thích rõ căn cứ trong bản án.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img