Đây là một trong những kiến nghị chính sách được TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đề cập tại hội thảo khoa học Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức. 

Phân tích những biến động của kinh tế thế giới trong năm 2024 và những năm tiếp theo, TS. Võ Trí Thành dẫn dự báo của IMF cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới dưới mức tiềm năng; nguy cơ phân mảng kinh tế lớn hơn nhiều đứt gãy chuỗi cung ứng, bao gồm phân mảng về công nghệ, tài chính, thanh toán… Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có nhiều hy vọng kinh tế thế giới trong năm 2024 – 2025 có khả năng phục hồi tốt hơn; nguy cơ suy thoái giảm ở các nền kinh tế phát triển, nhất là đối tác thương mại đầu tư tài chính lớn của Việt Nam; tăng lãi suất chững lại…

Mở rộng không gian phát triển từ mô hình kinh tế mới

TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Phát triển kinh tế toàn cầu năm 2024 và những năm tiếp theo, TS. Võ Trí Thành cho rằng sẽ phụ thuộc vào một số xu hướng.

Thứ nhất, khác với những khủng hoảng trước, ở lần này, thách thức đan xen với cơ hội phát triển chưa từng có. Cơ hội phát triển đó gắn liền với 2 cuộc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số mà các quốc gia đều phải theo, dù cuộc chuyển đổi này cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Xanh và số không chỉ còn là cam kết chính trị, là chiến lược chính sách của các quốc gia mà lớn hơn là đòi hỏi của người tiêu dùng, của thị trường, của tập đoàn và chuỗi cung ứng lớn. Đây cũng là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng.

Thứ hai, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu gắn với đầu tư thương mại, thiết lập quan hệ đối tác của các tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là các ngành chip, bán dẫn, y tế, dược phẩm…

Chịu tác động của kinh tế thế giới đặt ra câu chuyện ứng xử của kinh tế Việt Nam trong việc tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, của doanh nghiệp trước cú sốc, trước những kịch bản dù xấu nhất có thể với thúc đẩy phục hồi trong trước mắt và dài hơn là phát triển bền vững.

Ở thời điểm hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã và đang ghi nhận dấu hiệu tích cực: xuất khẩu phục hồi, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo dần quay lại trở thành động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu. Đầu tư FDI tốt hơn, đầu tư công so với năm trước cũng khá hơn và hy vọng với chuyển động này sẽ tạo những tác động lan toả tốt hơn.

Bên cạnh những tín hiệu phục hồi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng chỉ ra một số điểm quan ngại. Trong đó, lớn nhất là đầu tư tư nhân giảm, tín dụng tăng chậm, tiêu dùng trong nước – một trong những trụ cột tăng trưởng đã giảm nhanh từ quý 1 năm 2023 đến nay. Đằng sau những vấn đề này là niềm tin của thị trường, của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm dừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường trong quý 1 năm nay cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường.

Mở rộng không gian phát triển từ mô hình kinh tế mới

Mô hình trồng cà phê tuần hoàn hướng đến nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Trước thực tế trên, TS. Võ Trí Thành đề xuất 3 nhóm chính sách chính. Thứ nhất, chính sách tài chính tiền tệ ổn định, không chỉ lạm phát mà thị trường vốn, tài chính ngân hàng, cán cân thanh toán quốc tế.

Thứ hai, chính sách kích cầu tiêu dùng đầu tư xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện có thể kéo dài đến hết năm nay. Nhiều chuyên gia đề cập dư địa của chính sách tiền tệ, độ linh hoạt không còn nhiều, trong khi đó, dư địa chính sách tài khoá còn lớn nên có thể chấp nhận mức hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Thứ 3, tạo nền tảng mới cho phục hồi và mở rộng không gian phát triển cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Đó là cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành; xây dựng khuôn khổ chính sách đáp ứng yêu cầu của các xu thế như môi trường kinh doanh liên quan đến phát triển xanh, kinh tế số, thu hút các nhà đầu tư chiến lược… Những chính sách này gần như quyết định tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta đã làm nhưng còn chậm, triển khai gặp nhiều khó khăn.

Với các doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số cần thực hiện việc “may đo” nhưng không “may sẵn” gắn với các bài học bao gồm nghĩ lớn và làm cụ thể; chiến lược công ty và lãnh đạo tiên phong. Chuyển đổi xanh đi từ chính đòi hỏi thị trường, người tiêu dùng, cam kết quốc tế, chính sách nhiều nước phát triển và cách thức thay đổi mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó, dịch chuyển chuỗi cung ứng cần có tầm nhìn, năng lực nguồn nhân lực, văn hóa kinh doanh cũng như thương hiệu doanh nghiệp.