Tuesday, April 30, 2024

Vĩnh biệt người có câu nói bất hủ ‘tiền đạo không bằng tiền mặt’

Ông Phạm Ngọc Thành, nguyên Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp và là Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đồng Tháp, người góp công lớn đưa đội bóng 2 lần vô địch quốc gia và có câu nói bất hủ ‘tiền đạo không bằng tiền mặt’ đã rời xa cõi tạm ở tuổi 74.

 

Câu nói gây sốc thời bao cấp

Tin ông Sáu Thành qua đời ngày 12.4 thực sự là cú sốc với người hâm mộ thể thao Đồng Tháp nói riêng và những ai yêu mến, có thời gian dài gắn bó với vùng đất Tháp Mười. 

Tôi cũng là một trong số đó vì từ khi bắt đầu viết báo vào những năm giữa thập niên 80 thế kỷ trước, tôi đã có dịp đi cùng đội bóng Đồng Tháp, được gặp khá nhiều tên tuổi nổi tiếng một thời của vùng đất này, như HLV Phạm Duy Tiến, chuyên gia Đoàn Minh Xương, trợ lý và được coi là “quân sư” kiến tạo mọi thành công cho bóng đá xứ sen hồng Vương Thanh Trung. Hay hàng loạt những cầu thủ như Lại Hồng Vân, Trang Văn Thành, Trần Thiện Bình, Phạm Công Lộc, Phạm Anh Tuấn, Ngô Công Nhậm, Trịnh Tấn Thành, Huỳnh Quốc Cường, Trần Thanh Nhạc, Trần Công Minh và nhiều thế hệ sau này như Phan Thanh Bình, Đoàn Việt Cường, Bùi Tấn Trường, Nguyễn Quý Sửu, Châu Phong Hòa. 

Nhưng người mà mỗi lần tôi hỏi chuyện đều luôn nở nụ cười “bí ẩn”, trả lời đúng chất Nam bộ và không ngại hé mở muốn hiểu sao cũng được một vài chuyện “thâm cung bí sử”. Đó chính là nguyên Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp giai đoạn 1989-2000 và là Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá tỉnh Đồng Tháp Phạm Ngọc Thành (ông Sáu Thành).

Vĩnh biệt người có câu nói bất hủ

Ông Sáu Thành thời còn làm Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp

Tư liệu

Thời đó ông Sáu Thành là một giai thoại của bóng đá Việt Nam, đặc biệt ở phía nam không kể TP.HCM. Ông nằm trong hàng “ngũ hổ tướng” chung với các ông Nguyễn Lê Phong (Đà Nẵng), Lê Thì (Bình Định), Trần Vĩnh Lộc (Khánh Hòa), Lê Văn Nô (Long An). Đây là những người nắm vận mệnh các đội bóng đá thời bao cấp và một thời gian khuynh đảo trên bàn cờ các giải vô địch quốc gia. 

Đến giờ kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ mãi đó là câu chuyện có hay không “liên minh ma quỷ” xuất hiện vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Trong đó liên minh giữa đội Đồng Tháp – Tiền Giang – Công an Hải Phòng một thời gian dài tốn biết bao giấy mực của báo chí mà cuối cùng cũng chỉ là nghi vấn. Có lần tôi hỏi ông Nguyễn Nam Hùng (tức Hai Hùng, nguyên Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang) có câu chuyện này hay không thì ông Hai “đẩy cây” nói: “Bạn nên hỏi anh Sáu”. Gặp ông Sáu Thành thì ông nở nụ cười và trả lời tỉnh queo: “Bạn nghĩ chúng tôi có dễ dàng đánh đổi ngôi vô địch bằng liên minh đó không” (lúc đó Đồng Tháp vừa vô địch quốc gia năm 1989).

Vĩnh biệt người có câu nói bất hủ

Ông Sáu Thành (bìa trái) cùng ông Trần Vĩnh Lộc và Lê Thì tại một trận đấu giải vô địch quốc gia 1989

Tư liệu

Thực sự rất “đau đầu’ và phải suy nghĩ nhiều vì những phát biểu nửa thực, nửa đùa của ông Sáu. Ngay cả lời đồn ông Sáu Thành cho chở mấy bao tải gạo ra Hà Nội trước trận chung kết năm 1989 khi bị dí hỏi, ông cũng nói: “Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung chỉ có gạo là mặt hàng “xuất khẩu”. Chúng tôi giới thiệu sản phẩm của mình đến bạn bè cả nước cũng là chuyện bình thường”. 

Trả lời như ông Sáu Thành đúng là “dị nhân”. Vai trò của ông được phủ sâu trong những chiến thắng lẫy lừng của bóng đá Đồng Tháp. Riêng câu nói bất hủ “tiền đạo không bằng tiền mặt” được chuyên gia Đoàn Minh Xương kể lại: “Thực ra lúc đó trình bày kế hoạch xin kinh phí với lãnh đạo địa phương sau khi báo cáo tận tường lực lượng, tình hình thì đội được các lãnh đạo hỏi đội hình với tiền đạo mạnh vậy thì còn lo gì nữa. Ông Sáu nói ngay trong bóng đá không phải chỉ có lực lượng mạnh là thắng được tất cả mà phải có tiền mới giúp giải quyết nhiều việc”. Từ đó mới hình thành nên giai thoại về câu nói “tiền đạo sao bằng tiền mặt” của ông Sáu, vừa đúng với thực trạng bóng đá bấy giờ rất nhiễu nhương và nếu không có tiền thì thành tích ít nhiều sẽ bị chi phối.

Vĩnh biệt người có câu nói bất hủ

Ông Sáu Thành chỉ đạo viên đội bóng vô địch quốc gia năm 1989

Tư liệu

Người mang về nhiều niềm vui cho thể thao Đồng Tháp

Ngoài 2 ngôi vô địch bóng đá, ông Sáu Thành còn được nhắc đến nhiều bởi 2 sự kiện xây sân Cao Lãnh vào đầu thập niên 90 và đem Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần đầu tiên về đồng bằng sông Cửu Long mà cụ thể tổ chức tại Đồng Tháp năm 2000.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương kể lại, sau khi Đồng Tháp vô địch giải quốc gia năm 1989, nhận thấy sân vận động Sa Đéc với khuôn viên không đủ bề thế,  không thể tiếp tục tổ chức các trận đấu của đội nhà nên ông Sáu Thành chủ trương xin tỉnh đầu tư xây sân Cao Lãnh. 

Ban đầu kế hoạch cũng gặp khó vì phải thuyết phục nhiều lần hội đồng nhân dân mới nhất trí thông qua. Xây rồi phải duy tu bảo dưỡng và khai thác thế nào cho hiệu quả cũng là chuyện đau đầu. Thế là ông Sáu chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nguồn tài trợ và tài chính để duy trì hoạt động, không ngần ngại tổ chức nhiều sự kiện lớn nhỏ để bầu không khí luôn sôi động. 

Ngay việc nhận Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc trong cuộc họp ở Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 1996 cũng cho thấy tính cách “liều mạng” của ông Sáu. Khi đó Khánh Hòa và Cần Thơ với điều kiện tốt hơn, có đề án rõ ràng đang chạy đua đăng cai. Bất ngờ ông Sáu Thành xung phong nhận về Đồng Tháp chỉ bằng vài lời cam kết mà không có bất cứ đề án nào trong tay. Nhưng cái tâm và sự giải thích rất rành mạch, chí tình đầy tâm huyết của ông đã thuyết phục cả hội nghị và giành quyền đưa giải đấu này về đất sen hồng chỉ trong… một nốt nhạc!

Vĩnh biệt người có câu nói bất hủ

Ông Sáu Thành (thứ 3 từ phải) cùng cựu tuyển thủ Huỳnh Quốc Cường (thứ 2 từ phải), ông Vương Thanh Trung (thứ 2 từ trái) và cựu trọng tài Phạm Quốc Dũng (con trai ông Sáu Thành, thứ 3 từ trái) dự khai mạc giải đấu tại Đồng Tháp

Tư liệu

Sau năm 2000, số phận đẩy đưa khiến nhiều ấp ủ của ông bị dang dở không thể tiếp tục sự nghiệp quản lý nhà nước của mình. Dù chia tay vai trò lãnh đạo sở khi mới ngoài 50 tuổi, ông vẫn tiếp tục dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho thể thao vùng đất này. Việc ông trở lại vai trò Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá tỉnh Đồng Tháp nhiều năm sau đó, chính là lời khẳng định “không bao giờ bỏ cuộc” của ông khi vẫn muốn gắn bó và cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà. Bóng đá Đồng Tháp giờ đây chưa thể tìm lại chỗ đứng trên bản đồ bóng đá cả nước khi vẫn đang trầy trật ở giải hạng nhất. Nhưng chính ông bằng kinh nghiệm, khả năng và trí tuệ của mình vẫn tiếp tục đóng góp, hiến kế để từng bước vực lên.

Vĩnh biệt người có câu nói bất hủ

Ông Sáu Thành (thứ ba từ phải, hàng đứng) trong ngày trao giải bóng đá mini các CLB Đồng Tháp

Tư liệu

Thế mà ông đã bất ngờ ra đi mãi mãi ở tuổi 74 trong niềm tiếc thương của nhiều người hâm mộ, đặc biệt là nhiều thế hệ cầu thủ ở Đồng Tháp. Như cựu trọng tài Lê Ngọc Ân nói với tôi, dù chỉ gắn bó với ông Sáu Thành một hoạt động ở cuộc thi Giấc mơ sân cỏ năm 2012 nhưng những gì ông Sáu mang lại đó là sự hỗ trợ hết mình, tình cảm đong đầy với mọi người và hơn hết đó là sự chân thành, tin cậy lẫn nhau. 

Vĩnh biệt ông một nhà quản lý thể thao xuất sắc, một người đầy nhiệt huyết với bóng đá đất sen hồng. Lễ động quan của ông diễn ra vào 13 giờ ngày 14.4. 

Ông ra đi thanh thản ông Sáu nhé!

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img