Friday, May 3, 2024

Các ‘chiêu trò’ bất ngờ tạo thói quen đọc sách cho học sinh

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 (21.4) gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa như: Sách hay cần bạn đọc, sách quý tặng bạn, tặng sách hay-mua sách thật, sách hay: mắt đọc-tai nghe. Còn nơi bục giảng, giáo viên miệt mài vun bồi thói quen đọc sách cho học sinh.

Niềm hạnh phúc nhỏ bé, dung dị nhen lên từ sách đủ để cô trò chúng tôi mê mẩn lật mở khám phá vô vàn trang viết hay.

Học sinh đọc sách tại thư viện của trường

Học sinh đọc sách tại thư viện của trường

NVCC

Từ “mượn nghèo kể khổ”…

Tôi thường bắt đầu bài học đọc sách bằng câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa, cái thời gian khó với cơn khát sách nhen nhóm trong lòng bọn trẻ nghèo. Tôi kể về những đứa trẻ học sách tróc bìa long gáy qua tay nhiều anh chị lớn để lại, những đứa trẻ mừng như bắt được quà mỗi lúc mượn được quyển sách hay, những đứa trẻ nhịn tiền ăn quà vặt để thuê sách, những đứa trẻ thèm thuồng đến mức vớ mảnh báo, trang giấy bọc mì ổ, củ khoai mà ngấu nghiến đọc…

Cơn khát đọc sách của thế hệ 8X hồi ấy giờ được xoa dịu bởi bạt ngàn quyển sách hay trên kệ và những hàng ghế dài gọi mời người đọc miễn phí. Niềm hạnh phúc dung dị tìm thấy qua thế giới tri thức, tâm hồn ẩn mình sau trang viết được dưỡng nuôi từ ngày thơ bé cuộn trào thành dòng chảy bất tận của thói quen đọc sách.

Chỉ tiếc là những đứa trẻ hôm nay ít mê sách.

Đến lời khuyên “đọc sách để hiểu thế giới”

Hạnh phúc nhỏ bé từ sách cần được khơi lên từ sớm ngay từ buổi học đầu tiên giới thiệu chương trình học cùng những yêu cầu cần thiết cho môn học. Tùy thuộc vào đối tượng học sinh, tôi sẽ có đề xuất cụ thể về danh mục sách cần đọc trong năm, trước hết hướng về những tác phẩm liên quan phục vụ trực tiếp cho môn học ở trường.

Tôi hướng đến giới thiệu và đào sâu sự tò mò khám phá trong lòng bọn trẻ bằng những thể loại sách khuyến đọc: khoa học, văn học, kỹ năng sống… Bên cạnh đó, tôi góp nhặt hiểu biết của mình để khơi gợi sự quan tâm của học sinh về những quyển sách “hot”, “best seller” trên thị trường.

Đọc sách để hiểu thế giới và chính mình – Đó chính là viên gạch nối giữa việc học trong nhà trường với cuộc đời.

Học sinh say mê đọc sách trong hoạt động ngày hội đọc sách tại một trường tiểu học ở TP.HCM

Học sinh say mê đọc sách trong hoạt động ngày hội đọc sách tại một trường tiểu học ở TP.HCM

THÚY HẰNG

Kéo học sinh đến gần với sách

Nhiệm vụ khuyến đọc tự nhiên nhen nhóm trong tôi ngay từ những ngày chập chững làm quen bục giảng phấn trắng. Vì thế, tôi cố tình sử dụng nhiều “chiêu trò” để kéo bọn trẻ đến gần hơn với sách.

Đó là thưởng sách cho học sinh mỗi khi trò đạt thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi kể chuyện sách, thi tuyên truyền văn hóa giao thông hay có tiến bộ vượt bậc trong học tập. Thêm một vài dòng đề tặng ghi lại ấn tượng và cảm xúc của riêng tôi dành cho trò như một cách lưu giữ kỷ niệm đẹp về tình thầy trò.

Đó là động viên và khuyến khích ghi điểm tốt cho học sinh khi lồng ghép giới thiệu được một quyển sách hay trong các giờ học văn. Không ít lần tôi thật sự ngạc nhiên bởi bọn trẻ giới thiệu về một tác phẩm mới trong vốn hiểu biết hạn hẹp của mình. Sau khi chăm chú lắng nghe và khen ngợi trò, tôi mày mò tìm đọc và vỡ òa sự thú vị lẫn thấu hiểu vì sao trò chọn quyển sách đó.

Đó là hẹn hò và rủ rê bọn trẻ ghé lên thư viện trường thường xuyên. Một buổi gặp gỡ với ban cán sự lớp, họp nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi hay lân la trước giờ lao động vệ sinh, tập luyện nghi thức đội… thì điểm hẹn quen thuộc của chúng tôi là thư viện trường. Ở đó bạt ngàn sách hay được bày biện, tay vớ, mắt đọc và dần dà thói quen đọc sẽ hun đúc.

Đó là tổ chức các cuộc thi nhỏ trong lớp như viết cảm nhận về một quyển sách, thay một cái kết cho câu chuyện, giới thiệu về tác phẩm mới nổi bật trên thị trường… Vốn từ được trau dồi, kỹ năng viết lách được phát triển và quan trọng là thói quen đọc manh nha hình thành để đổi lấy điểm số ấn tượng.

Mang tin tức vào lớp học

Khi khoa học kỹ thuật phát triển, học sinh có thể sử dụng điện thoại di động, máy vi tính để tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau. Từ đó, thói quen, nếp đọc sách dần bị bỏ quên. Vì vậy, nhiều thầy cô, phụ huynh rất mong học sinh “hãy đặt điện thoại xuống, cầm sách lên” để duy trì thói quen đọc sách hàng ngày.

Trước khi bước vào tiết học, giáo viên ở Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) đọc một bài viết trên Báo Thanh Niên cho học sinh nghe

Trước khi bước vào tiết học, giáo viên ở Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) đọc một bài viết trên Báo Thanh Niên cho học sinh nghe

NVCC

Hiện nay một số trường cũng nỗ lực áp dụng những biện pháp giúp học sinh hình thành nếp đọc sách hàng ngày như: đưa thư viện đến lớp học, thư viện xanh, 5 phút đọc báo, thậm chí phạt học sinh bằng cách cho các em đọc sách tại thư viện rồi viết cảm nghĩ. Đó là những nỗ lực nhận được sự đồng tình từ thầy cô, phụ huynh và xã hội.

Là giáo viên dạy lịch sử – giáo dục công dân tại Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa), bản thân tôi nhận thức rằng giáo viên cần phải đọc rất nhiều sách, báo để lồng ghép thêm thông tin vào bài giảng, giúp tiết học sinh động hơn.

Chẳng hạn, trong giờ dạy môn giáo dục công dân lớp 9 sáng 9.4, trước khi vào dạy bài 16 “Quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của công dân”, tôi đọc một bài viết trên Báo Thanh Niên cho học sinh nghe. Đó là bài viết “Giúp học sinh tiếp cận chương trình lớp 10” trên trang 16, số 100 (ngày 9.4). Học sinh tập trung lắng nghe do bài viết chứa đựng nhiều thông tin thiết thực giữa lúc các em chuẩn bị vào lớp 10. Đây chính là quyền được tiếp cận thông tin mà tôi lồng ghép vào bài học để học sinh có thêm hứng thú cũng như có sự chuẩn bị tâm thế tốt khi vào lớp 10. Điều này ý nghĩa hơn là việc dạy lý thuyết, nói suông.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img