Saturday, May 4, 2024

Vì một Việt Nam hòa bình: Tìm hạnh phúc nơi đất Việt

Từng tham chiến tại Việt Nam, khi tóc hoa râm, những cựu binh Mỹ trở lại chiến trường xưa, thực hiện những nghĩa cử đậm tình người để góp phần sửa chữa sai lầm, nối lại khoảng cách và cũng là để chữa lành cho chính mình.

Từng nghiện rượu nặng, đối mặt với rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (hội chứng PSTD) vì chiến tranh, bị trầm cảm, gia đình đổ vỡ, để rồi khi trở lại Việt Nam tìm cách sửa chữa những sai lầm từng chứng kiến thời binh nghiệp, Manus Campbell đã tìm lại được hạnh phúc và an yên cho chính mình.

Manus Campbell giờ đã thành cư dân Hội An, Quảng Nam

Manus Campbell giờ đã thành cư dân Hội An, Quảng Nam

NVCC

Chiến trường Việt Nam những năm 1965 – 1966 thật khốc liệt, ở tiểu bang New Jersey (Mỹ), Manus Campbell khi ấy bước vào tuổi 19, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, nhận giấy gọi đi quân dịch và chỉ có một tháng chuẩn bị trước khi vào chiến trường. Campbell sốc nặng, phải mượn rượu giải sầu. Đến Việt Nam vào năm 1967, ông thuộc biên chế Tiểu đoàn 1, Binh đoàn thủy quân lục chiến 4, đóng quân ở Phú Bài, Huế, rồi chuyển đến khu vực phi quân sự (DMZ) ở Quảng Trị. Khi về lại Mỹ, Campbell đã trải qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời, và sau gần 40 năm, ông trở về chiến trường xưa (năm 2006) rồi gắn bó với mảnh đất này.

Hậu chiến và nỗi đau

Để quên dần những hình ảnh tàn khốc của khói lửa chiến tranh cũng như chế ngự những cơn giật mình, la hét lúc nửa đêm, Manus Campbell mất hơn 30 năm. Ông kể lại: “Người ta huấn luyện đưa bạn vào cuộc chiến chứ không trang bị cho bạn kiến thức về cuộc sống hậu chiến. Mọi thứ bị đảo lộn hoàn toàn, như vết thương hằn trong tâm hồn. Để đối mặt với xã hội, tôi cần tìm thứ gì đó kích thích bản thân nên thường uống nửa chai gin hoặc vodka trước khi rời nhà gặp bạn bè”.

Vì một Việt Nam hòa bình: Tìm hạnh phúc nơi đất Việt- Ảnh 2.

Hình ảnh quen thuộc của cựu binh Campbell với chiếc máy ảnh bên mình

Trở về Mỹ, mỗi năm qua đi, cuộc đời Campbell lại gặp thêm nhiều điều tồi tệ. Ban đầu, ông làm cảnh sát tại bang New Jersey, mình khoác áo giáp chống đạn, hông đeo súng, với suy nghĩ đơn giản: “Đây là việc tôi có thể làm như hồi còn trong thủy quân lục chiến”. Campbell lập gia đình mà không hề biết mình đã nhiễm chất độc da cam. Vợ ông mang thai nhưng các bác sĩ phát hiện thai nhi không có tay chân khi được 12 tuần tuổi. Chưa hết, Campbell phải đối mặt với hàng loạt vấn đề do mắc hội chứng PTSD. Ngoài chuyện tỉnh giấc, la hét lúc nửa đêm, ông rất sợ tiếng trực thăng. Ở chiến trường, tiếng trực thăng là dấu chỉ báo hiệu việc tiếp nước, tiếp lương thực, hoặc cũng là mở đầu cuộc hành quân, hoặc là trở thành mục tiêu của hỏa lực. Mùi củi cháy cũng là nỗi ám ảnh khác, mỗi khi ông ngửi thấy, bao hình ảnh tàn khốc của chiến tranh lại dội về…

Làm cảnh sát được 10 năm, Campbell rời ngành, rồi gặp tai nạn xe hơi rất nặng, mất sức lao động, nợ ngân hàng với số tiền lên đến 30.000 USD. Dù đã cố tìm việc làm nhưng ông không tìm ra công việc nào phù hợp, trong đầu luôn lởn vởn: “Việc này làm sao mình có thể làm được?”. Campbell mắc thêm bệnh trầm cảm rồi hôn nhân đổ vỡ…

“Sự kết nối của tình bạn”

JAMA Psychiatry – chuyên san của Hội Y học Mỹ (AMA) từng công bố nghiên cứu cho thấy có đến 217.000 cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam phải đối mặt với hội chứng PTSD liên quan đến những ám ảnh chiến tranh và hơn 1/3 trong số ấy mắc thêm chứng rối loạn trầm cảm. Riêng với trường hợp của Campbell, để đối mặt cuộc sống đã khó, việc quay trở về chiến trường xưa để viếng thăm, hoặc du lịch ngắn ngày, từng là điều không tưởng. Nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi!

Vì một Việt Nam hòa bình: Tìm hạnh phúc nơi đất Việt- Ảnh 3.

Campbell chụp ảnh lưu niệm cùng các bé gái được ông tài trợ toàn phần cho việc học

Sau đó, Campbell bắt đầu đến với thiền và ông dần tìm được giải pháp giúp bản thân thay đổi. Nhờ đó, Campbell cai được rượu và thoát khỏi ám ảnh hậu chiến. “Năm 1997 tôi thực hiện khóa hành thiền kéo dài 6 tháng và đó cũng là lần cuối tâm trí tôi còn lởn vởn những hình ảnh cuộc chiến”, ông kể. Năm 2006, 38 năm sau ngày rời chiến trường, Campbell tham gia một chuyến thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và ý tưởng trở lại Việt Nam bỗng đến với ông. Suy nghĩ ấy cứ vương vấn, hối thúc trong tâm trí và Campbell dành nhiều thời gian hơn để cập nhật thông tin về Việt Nam qua bạn bè. Dịp Giáng sinh 2006, ông đến Việt Nam và trải qua 10 ngày thăm Khu chứng tích Mỹ Lai, Hội An, Huế.

Sau chuyến đi ấy, Campbell tích cực vận động nhiều cựu binh Mỹ khác trở lại chiến trường xưa để đối mặt với quá khứ và đặc biệt là vượt qua nỗi sợ của bản thân, trải nghiệm Việt Nam ở một góc nhìn khác. “Tôi và một cựu binh Mỹ nữa hội ngộ cùng 8 cựu chiến binh Việt Nam, những cuộc gặp này đáng quý lắm, vì người cả hai bên chiến tuyến từng là kẻ thù, nay ngồi lại và thú vị là chúng tôi có những chia sẻ và mong muốn giống nhau, là sự kết nối của con người, của tình bạn”, ông chia sẻ về kỷ niệm lần đầu gặp các cựu binh Việt Nam vào năm 2012.

Chụp ảnh, làm thơ và yêu

Trở về chiến trường xưa, với Campbell không phải để ôn lại kỷ niệm, mà là tìm cách góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, thể hiện khát vọng hòa bình. Cách ông hành động là giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Campbell bảo: “Tôi quan niệm giáo dục là điều quan trọng nhất chúng ta có thể mang lại cho trẻ nhỏ, đó cũng là mảng tôi quan tâm nhiều nhất ở Việt Nam. Tôi là nạn nhân chất độc da cam nên cũng mong muốn giúp đỡ những trẻ em bị tác hại từ chất độc này”.

Vì một Việt Nam hòa bình: Tìm hạnh phúc nơi đất Việt- Ảnh 4.

Campbell tặng quà cho các em nhỏ ở Tổ chức Children’s Hope in Action đầu năm 2024

Thời gian qua, Campbell tích cực hỗ trợ Hội từ thiện Giáo dục trẻ em (CEF) và hiện ông cũng là thành viên Ban giám đốc của hội. Campbell cho biết: “Giai đoạn Covid-19, tôi quyên góp tiền giúp các gia đình nghèo có thực phẩm cho đến tận bây giờ. Tôi cũng tài trợ việc học toàn phần cho 9 bé gái”. Ông cũng gắn bó mật thiết với Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Kỳ Anh do bà Jackie Wrafter đồng sáng lập từ năm 2008. Bà Wrafter cho biết: “Không có những người hảo tâm như Campbell, chúng tôi không thể tiếp tục được công việc của mình”. Một tổ chức khác là HIVOW (Giúp đỡ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh) ra đời từ năm 2009 do chính Campbell sáng lập, giúp xây trường để các em có nơi ăn chốn ở và học hành.

Hỏi chuyện thêm về các thành quả của hoạt động từ thiện, Campbell cho biết: “Từ năm 2013, hằng tháng tôi đều tài trợ cho Tổ chức Children’s Hope in Action ở Hội An để giúp trẻ khuyết tật ở trung tâm có cái ăn và cơ hội đến trường”. Ông tâm sự thêm: “Ảnh hưởng của chất độc da cam khiến tôi không thể có con được nữa, nhưng ở Việt Nam, tôi cảm nhận mình có cả trăm đứa con. Năm nay thật vui vì một bé tôi tài trợ từ năm lớp 8 vừa tốt nghiệp đại học. Tôi tự hào vì điều này, và đó là phần thưởng cho công việc tôi đang làm. Các con mang lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc”.

Hiện sống ở Hội An, ngoài công việc giúp đỡ trẻ em, Campbell dành thời gian cho thơ, hội họa và nhiếp ảnh. Ở Hội An, ông cũng tìm được nửa kia của đời mình là Đoan Trang cùng con riêng là bé Quốc Anh, 10 tuổi.

Vì một Việt Nam hòa bình: Tìm hạnh phúc nơi đất Việt- Ảnh 5.

Góc máy của Campbell chụp ảnh “cụ bà đẹp nhất thế giới” Bùi Thị Xong

Campbell chia sẻ: “Tôi kết hôn với Đoan Trang năm 2020. Nhiếp ảnh là cách tôi kết nối vẻ đẹp cuộc sống và con người Việt Nam, tôi thích chụp ảnh chân dung và phong cảnh đường phố nhất. Thời gian Covid-19, tôi vẽ tranh trừu tượng nhiều và vẫn tiếp tục thiền định hằng ngày. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi sống đến hôm nay, lại ban tặng cho tôi người vợ và con trai thật dễ thương ở Việt Nam”. (còn tiếp)


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img