Các nước phát triển đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư đã góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất – xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, trong đó các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đều ghi nhận mức tăng 2 con số.

Phát triển bền vững tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu

 Những quy định liên quan đến phát triển bền vững của các nước phát triển đã và đang tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam

Bức tranh xuất khẩu trong năm nay dự báo tiếp tục có nhiều gam màu sáng trong điều kiện doanh nghiệp tận dụng tối đa tiềm năng của các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA cũng như quan tâm nắm bắt, thích ứng tốt hơn với các xu thế phát triển của thị trường toàn cầu.

Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: các nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng. Đây là tiền đề để các nước tiếp tục đưa ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường… cho sản phẩm hàng hoá xuất khẩu.

Riêng tại châu Âu, đã có khoảng 10 chiến lược mới được thông qua trong thời gian gần đây. Trong đó có một số chiến lược tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung và nông lâm thuỷ sản – những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào châu Âu như chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” trong Thoả thuận xanh châu Âu; quy định chống phá rừng (EUDR) có thể ảnh hưởng đến 12 sản phẩm nông nghiệp của nước ta…

Đồng quan điểm, bà Trần Như Trang – Trưởng đại diện Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thuỵ Sỹ (SIPPO) khẳng định: phát triển bền vững là xu hướng của thị trường châu Âu, Anh hay Mỹ với nhiều yêu cầu ngày càng cao hơn, khắt khe hơn với hàng hoá xuất khẩu. SIPPO phải theo dõi hàng tuần, hàng tháng để cập nhật những yêu cầu mới và hướng dẫn tuân thủ mới, qua đó giúp đối tác nắm được thông tin.

Tuy nhiên, bà Trần Như Trang cho rằng, không nên nhìn xu hướng này như là rào cản hay biện pháp bảo hộ. Trái lại, nên xem phát triển bền vững là yêu cầu của thị trường, là cách thức cạnh tranh về mặt chất lượng. Đối tác nhập khẩu đưa ra yêu cầu mới, nhà cung cấp nào đáp ứng được tức là có thế mạnh để cạnh tranh.

Thực hiện phát triển bền vững, theo bà Trần Như Trang đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư nguồn lực. Không chỉ là chi phí tuân thủ mà là chi phí thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, bù lại, khi doanh nghiệp nắm bắt được những yêu cầu phát triển bền vững, đầu tư để thay đổi và được khách mua hàng chấp nhận, đây lại là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát triển bền vững tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu

 Từ những hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể mở rộng phân khúc khách hàng cao cấp hơn trên thị trường

Đặc biệt, khi sản phẩm, hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể nghĩ đến phân khúc khách hàng cao cấp hơn. Vì thế, hiện nay, ngoài thị trường mục tiêu doanh nghiệp còn phải xác định khách hàng mục tiêu bởi trong một thị trường có những phân khúc khách mua hàng khác nhau.

“Cần phải nắm rõ đâu là thị trường mang tính quốc gia và trong thị trường quốc gia đó lại xác định nhóm khách hàng tiềm năng để có chính sách riêng, chiến lược riêng đưa được sản phẩm của mình vào nhóm khách hàng này”, bà Trần Như Trang nói.

Bên cạnh những thách thức, các nước phát triển đẩy mạnh phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số cũng đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, các chương trình hỗ trợ tín dụng, công nghệ. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam tiếp cận bạn hàng, đối tác có công nghệ sáng tạo để hợp tác hay tìm kiếm sự hỗ trợ. Thậm chí, ngay tại các hội chợ quốc tế không chỉ là nơi doanh nghiệp bán hàng mà còn tranh thủ kết hợp khảo sát tìm định hướng, đối tác có công nghệ sáng tạo để thích ứng, tuân thủ bền vững.