Tuesday, April 30, 2024

Học tiếng Anh trực tuyến, mất tiền oan vì chất lượng ‘như không’

Chi khoảng 40 triệu đồng để học tiếng Anh trực tuyến nhưng chất lượng giảng dạy không như cam kết, nhiều học viên sau khi góp ý với trung tâm đã bị đối tượng lạ mặt chặn đường đe dọa, thậm chí bị hành hung tại nhà.

Đóng tiền để tự học?

Phản ánh với phóng viên Báo Thanh Niên, hàng chục người học tiếng Anh trực tuyến tại Trung tâm Anh ngữ và tư vấn du học LeaderTalks (viết tắt LeaderTalks) cho biết rất bức xúc vì trung tâm quảng cáo sai sự thật, thực hiện trái cam kết trong việc giảng dạy khóa “English Mastery” (Làm chủ tiếng Anh) và có hành vi thoái thác trách nhiệm dù mức học phí dao động từ 39,95 triệu đồng đến 44 triệu đồng, tùy theo hình thức đóng là 1 hay nhiều lần.

Cụ thể, theo bản ghi nhớ ký với học viên (HV), LeaderTalks thông tin “English Mastery” là chương trình “huấn luyện tiếng Anh trực tuyến” cho người mới bắt đầu với 5 học phần được giảng dạy tuần tự. HV sẽ được đào tạo qua Zoom trong 52 tuần (khoảng 1 năm), mỗi tuần lên lớp 2 buổi với giáo viên (GV) và học nhóm 5 buổi với trợ giảng… “Nhưng thực tế khác hoàn toàn với quảng cáo”, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (ngụ TP.HCM), đại diện nhóm HV, khẳng định.

Học tiếng Anh trực tuyến, mất tiền oan vì chất lượng

Bất kể trình độ đầu vào, Trung tâm LeaderTalks đều cam kết học viên sẽ tăng một cấp độ trong Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) sau khi hoàn thành khóa học

Theo đó, dù trung tâm giới thiệu có đội ngũ GV nhiều năm kinh nghiệm, sở hữu chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế nhưng sau 6 tháng theo học, chị Hương nhìn nhận chỉ có vài người “cốt cán” cáng đáng tất cả các lớp, còn lại hoặc đã nghỉ dạy hoặc do trung tâm tự “phông bạt”. Mặt khác, nhiều GV thực dạy được phản ánh là phát âm lắp bắp, không biết phải giảng gì cũng như không công khai bằng cấp chuyên môn. 

“Sau khi hoàn thành học phần đầu, nhiều bạn còn được trung tâm ngỏ lời làm trợ giảng cho khóa mới với chiêu bài ‘muốn giỏi phải dạy’. Một số trợ giảng lâu năm thì được trung tâm tự phong thành GV “, chị Hương cho biết thêm. Trong khi đó, chị K.T (ngụ TP.HCM) phản ánh rằng đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thanh quản sau khi làm theo kỹ thuật luyện hơi để phát âm tiếng Anh mà GV trung tâm hướng dẫn.

Không chỉ chất lượng GV, nhiều HV cũng bức xúc với quy trình học. Đầu tiên, trung tâm dù thông báo sẽ kiểm tra đầu vào để xếp lớp nhưng lại phân HV vào chung một lớp, học chung một giáo trình bất kể trình độ ra sao. Tiếp đó, LeaderTalks nói sẽ hướng dẫn thực hành chi tiết và chỉnh sửa từng người nhưng thực tế HV phải tự học theo giáo trình, tự luyện tập rồi quay lại video để đăng trên hệ thống riêng của trung tâm, sau đó tiếp tục tự vào các video để nhận xét lẫn nhau, theo các HV.

Học tiếng Anh trực tuyến, mất tiền oan vì chất lượng

Học viên cho rằng mỗi buổi học cần rất nhiều thời gian để thực hiện các yêu cầu tự học của trung tâm, nhưng bài làm đều không được trung tâm phản hồi, đánh giá

“GV và trợ giảng không hề phản hồi hay chỉnh sửa phần bài tập giao cho chúng tôi, khiến hiệu quả thực hành gần như bằng 0. Riêng trợ giảng có vai trò duy nhất là sửa lỗi trong các buổi học, đôi khi còn sửa sai, với thời lượng hạn hẹp chỉ vài phút mỗi người vì lớp quá đông mà buổi học chỉ kéo dài một tiếng rưỡi. Chưa kể rất tốn thời gian và không thể chăm lo gia đình nếu nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trước, trong, sau mỗi buổi học mà trung tâm đề ra, điều bắt buộc làm nếu muốn học lại hoặc hoàn phí khi việc học không tiến bộ, dù thực tế họ chẳng dạy gì”, chị Hương bộc bạch.

Dọa đánh học viên?

Không chỉ dạy kém chất lượng, nhóm HV còn phản ánh trung tâm cắt xén giờ học bằng nhiều phương thức khác nhau. 

Chẳng hạn, với khóa của chị Hương và chị K.T bắt đầu từ tháng 10.2022, LeaderTalks đổi một buổi học thành buổi thi ngữ pháp, từ vựng với độ khó ở mức căn bản và không hề nhận xét cho HV lúc kiểm tra xong. “Đó là những buổi rất vô nghĩa, đặc biệt khi chúng tôi đang học nói chứ không hề được dạy ngữ pháp hay từ vựng”, các HV lên án.

Ở trường hợp khác, chị M.T (ngụ TP.HCM) cho biết lãnh đạo trung tâm đã vào khen lớp “đọc tiếng Anh quá hay” và đề nghị kết thúc học phần sớm để bắt đầu lộ trình tiếp theo, dù nhiều HV khi ấy vẫn chưa thể nói sõi. Đến những học phần cuối, chị M.T tiếp tục “vỡ mộng” vì học liệu là các video chương trình TED hay bộ phim Friends có sẵn trên mạng, vừa không có sự sáng tạo trong giáo trình vừa “không có tác dụng trong việc học”.

Học tiếng Anh trực tuyến, mất tiền oan vì chất lượng

Nội dung trong tài liệu “độc quyền” bị học viên tố là có sẵn công khai trên mạng

Một số vấn đề tiêu cực khác liên quan đến LeaderTalks được nhóm HV chỉ ra là tài liệu tuy cóp nhặt nội dung từ nhiều nguồn trên mạng nhưng lại cho rằng là có bản quyền, phải xin phép trung tâm nếu muốn dùng cho mục đích khác; tự ý dùng hình ảnh của HV để truyền thông khóa học mà không xin phép trước; không cung cấp hóa đơn tài chính khi HV yêu cầu…

Thất vọng trước chất lượng khóa học và sự sắp xếp không thỏa đáng từ trung tâm, nhóm HV đã nhiều lần gửi email đề nghị LeaderTalks thay đổi chương trình nhưng chỉ nhận về những lời hứa suông, không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó, trung tâm bắt đầu “lơ” các yêu cầu của HV và người lãnh đạo liên tục trốn tránh gặp mặt, cũng như từ chối hoàn trả học phí.

“Quá bất bình, chúng tôi đã tham gia một buổi học trên Zoom ngày 16.4 có mặt bà Đào Thị Hằng là chủ trung tâm để góp ý. Nhưng thay vì bình tĩnh đối thoại, một người có thể là chồng của bà Hằng (Giám đốc trung tâm) đã lớn tiếng chửi thề và dọa sẽ thuê người đến tận nhà đánh ‘bục mặt’ chúng tôi. Khoảnh khắc đó khiến tất cả chúng tôi ‘đứng hình’ vì không thể tin một cơ sở giáo dục lại có thể hành xử côn đồ như thế”, chị Hương nhớ lại.

Học tiếng Anh trực tuyến, mất tiền oan vì chất lượng

Chồng bà Đào Thị Hằng (hàng 2, bìa trái) có phát ngôn dọa đánh học viên trong buổi học trên Zoom ngày 16.4

Ba ngày sau khi bị dọa đánh, chị Hương cho hay LeaderTalks đã khóa tài khoản cá nhân của chị và một số HV khác trên hệ thống riêng của trung tâm này, đồng thời gửi email thông báo đình chỉ học với lý do đã “chống phá trung tâm”. Và 5 ngày sau (21.4), theo chị K.D (ngụ TP.Hà Nội), một HV từng tham gia góp ý, đã có những đối tượng lạ mặt chặn đường và dằn mặt chị cùng những HV khác cũng đang sinh sống tại Hà Nội.

Đỉnh điểm, vào ngày 18.5, tức gần một tháng sau khi bị đe dọa, chị Hương nhận được cuộc gọi từ người giao hàng yêu cầu xuống chụp hình xác nhận để lấy hoa lẫn quà do người khác tặng và chị đã nhờ con trai xuống nhận thay. Nhưng khi cậu con vừa xuống đến nơi, người giao hàng lập tức ném sơn rồi lấy thanh sắt giấu sẵn trong hộp quà để tấn công con chị. Rất may, con chị Hương đã tránh thoát thành công và toàn bộ vụ việc đều được camera an ninh của chung cư quay lại.

Sự manh động của các đối tượng lạ mặt cũng là lý do nhiều HV tại trung tâm này mong được giấu tên. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.12 (TP.HCM) đã tiếp nhận đơn cầu cứu khẩn cấp của chị Hương về việc LeaderTalks tổ chức dạy học trái cam kết và có hành vi dọa đánh HV. “Hiện tại, chúng tôi không trông mong đòi lại được học phí mà chỉ muốn vạch trần những chiêu trò lừa đảo và thói côn đồ của LeaderTalks để cảnh tỉnh xã hội”, nhóm HV nêu quan điểm.

Đại diện LeaderTalks nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bà Đào Thị Hằng, Giám đốc trung tâm ngoại ngữ và tư vấn LeaderTalks, cho biết đã tiếp nhận những phản ánh của HV. Tuy nhiên, theo bà Hằng, nhiều phản ánh về mặt chuyên môn như trung tâm cắt xén giờ học, cho GV không đạt chuẩn đứng lớp, nộp bài không ai sửa… là sai sự thật, ảnh hưởng đến việc vận hành của trung tâm cũng như quá trình học mỗi ngày của hơn 300 HV.

Học tiếng Anh trực tuyến, mất tiền oan vì chất lượng

Thanh sắt hành hung người nhà chị Thanh Hương được giấu trong hộp quà của shipper giả dạng

Bà Hằng cũng cho hay, thời gian qua ghi nhận việc một nhóm HV gồm 4 người có những hành động theo bà là “vi phạm nghiêm trọng luật An ninh mạng 2019 và quy chế hoạt động của trung tâm”, buộc LeaderTalks phải cho tạm ngưng học. Khi được hỏi liệu người của trung tâm có thực sự dọa đánh HV trong buổi học trên Zoom như thông tin phản ánh, bà Hằng cho biết đây chỉ là những lời “nóng tính” của chồng mình, “hoàn toàn không liên quan đến các vấn đề giữa HV với trung tâm”.

“Về việc nhóm HV có bị người lạ mặt đe doạ ngoài lớp học hay không, chúng tôi không biết và xem đây là thông tin một chiều không xác thực từ nhóm HV. Chúng tôi đang nhờ đến các cơ quan chức năng để xác minh. Nếu là thông tin cố tình tạo dựng gây mất uy tín trung tâm thì chúng tôi sẽ khởi kiện”, bà Hằng nêu quan điểm.

Quy mô của LeaderTalks

Theo trang web, LeaderTalks do bà Đào Thị Hằng (thường gọi là Hằng Mắm Ruốc) sáng lập và làm chủ từ năm 2014. Bà Hằng từng học thạc sĩ về phát triển bền vững ở ĐH Adelaide (Úc) sau đó về Việt Nam làm việc.

Với lợi thế danh tiếng, bà Hằng liên tục dùng hình ảnh cá nhân để quảng cáo các chương trình dạy tiếng Anh của LeaderTalks như khóa trực tuyến “English Mastery” được cho là có hơn 2.000 HV theo học, khóa nội trú hè “Hama Summer”, khóa dành cho trẻ em “Global Passport”. Các khóa dao động khoảng 29-50 triệu đồng, nhưng bị nhiều HV phản ánh là hời hợt trong đào tạo, chỉ chú trọng khâu thực hiện sản phẩm tốt nghiệp để lấy hình ảnh truyền thông.

Ghi nhận mới đây trên website của LeaderTalks, khóa “English Mastery” vừa có cập nhật mới về thời lượng và học phí. Cụ thể, so với thời gian đào tạo cũ là 52 tuần với 2 buổi lên lớp, 5 buổi học nhóm/tuần, khóa học mới chỉ kéo dài trong 42 tuần, 3 buổi lên lớp cùng 3 buổi tự học tại nhà/tuần. Học phí cũng tăng 1 triệu đồng với mỗi hình thức thanh toán.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img