Friday, April 26, 2024

Giảm thời hạn tại ngũ cần xét nhiều khía cạnh

Từ kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh và trả lời của Bộ Quốc phòng về việc sửa đổi thời hạn phục vụ tại ngũ, bạn đọc bày tỏ sự quan tâm, nêu nhiều ý kiến.

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Bắc Ninh về kiến nghị sửa đổi thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ. Cho rằng thời hạn phục vụ tại ngũ 24 tháng là dài, cử tri tỉnh Bắc Ninh mong muốn Bộ Quốc phòng nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi xuống 12 tháng. Bộ Quốc phòng hồi đáp: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19.6.2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. Theo quy định tại luật Nghĩa vụ quân sự, mỗi năm, tại các địa phương sẽ gọi công dân nhập ngũ một lần. Đối tượng gọi nhập ngũ là công dân 18 – 25 tuổi. Riêng công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Khoản 1 điều 21 luật Nghĩa vụ quân sự quy định “thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng”. Bộ Quốc phòng khẳng định, trong tình hình hiện nay, quy định thời hạn 24 tháng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội.
Giảm thời hạn tại ngũ cần xét nhiều khía cạnh

Việc rút ngắn thời gian phục vụ tại ngũ cần được nghiên cứu tổng thể

“Việc rút ngắn thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống 12 tháng cần được nghiên cứu một cách tổng thể đầy đủ và thấu đáo hơn”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng điều này liên quan đến chất lượng huấn luyện, rèn luyện, sử dụng vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri và chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đảm bảo phù hợp thực tiễn trong tình hình hiện nay.

Trước kiến nghị về việc giảm thời gian phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội, BĐ Trần Thanh khẳng định việc này có 2 cái lợi: “Một là quân đội giảm chi phí nuôi quân, tăng chi phí trang thiết bị; hai là giúp xã hội có thêm nguồn lao động trẻ, khỏe, có trình độ để xây dựng đất nước vững mạnh”.

Tuy nhiên, ở góc độ duy trì việc tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao cho quân đội, BĐ 297084 nêu quan điểm giữ nguyên thời gian tại ngũ như hiện nay. “Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm là đúng. Vì khi thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, có một số chuyên ngành cần thời gian huấn luyện 6 tháng như báo vụ…, cộng thêm 3 tháng tân binh thì thời hạn tại ngũ 12 tháng sẽ gây lãng phí công tác huấn luyện. Còn nếu có trường hợp người 12 tháng, người 24 tháng thì sẽ không công bằng”, BĐ nhìn nhận.

12 tháng là hợp lý trong thời bình. Tiền bạc để nâng cấp vũ khí, khí tài. Cần tinh, cần hiện đại chứ không cần nhiều nếu ít hiệu quả.

Thảo

Rút gọn xuống 12 tháng là hợp lý để thanh niên còn thời gian, sức khỏe học nghề hoặc học lên đại học. Sau này, tôi cũng sẽ động viên hai con trai đi nghĩa vụ để hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc và rèn luyện bản lĩnh con người.

Lã Hoa

Tôi còn nhớ năm 2005 rút từ 24 tháng xuống 18 tháng không huấn luyện được hết nội dung chương trình cho chiến sĩ mới. Giờ nghiên cứu giảm còn 12 tháng tôi nghĩ không khả thi.

Trần Lâm

 

Trong khi đó, BĐ Nguyễn Khắc Nam đề xuất: “Tôi nghĩ 18 tháng vừa đủ thời gian huấn luyện, luyện tập kỷ luật quân đội và các kỹ năng sống cần thiết. Còn nếu nói không đủ thời gian thì tính lại chương trình, giáo án và mục tiêu huấn luyện. Thời nay cần huấn luyện tập trung, tinh nhuệ và hiện đại, không thể rề rà, để còn tiết kiệm chi phí của đất nước. Mặt khác, hiện nay tuyển quân mỗi năm một lần, do vậy thời gian tại ngũ 18 tháng là hợp lý để dự phòng có năm tuyển không đạt chỉ tiêu”.

Theo quan sát của BĐ Khuong Quan, đề xuất của cử tri là đáng quan tâm, nhưng cần có quá trình để điều chỉnh: “Nên làm cẩn trọng từng bước, vì hiện nay, công dân nhập ngũ được chia thành 2 nhóm: nhóm đủ tuổi nghĩa vụ quân sự theo luật phải nhập ngũ và nhóm thanh niên học cao đẳng, đại học được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Thời gian tại ngũ liên quan mật thiết đến chất lượng, số lượng quân từ 2 nhóm này”.

“Thời gian huấn luyện rút ngắn, bộ đội chưa nhuần nhuyễn những bài học thao trường, chưa thấm nhuần kỹ năng chiến đấu thì giảm thời gian quân ngũ có khi mới là việc gây lãng phí nguồn lực, chi phí. Không thể một sớm một chiều hạ thời gian trong quân đội xuống 12 tháng, mà cần có sự xem xét, nghiên cứu nhiều khía cạnh. Trước khi quyết định sửa đổi thời hạn này, cần tính đến chất lượng tân binh về thể chất lẫn tinh thần, khả năng tiếp thu các bài huấn luyện quân sự, kỹ năng sử dụng vũ khí, khí tài…”, BĐ Z375 hiến kế.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img