Friday, April 26, 2024

Nhà làm việc của bác sĩ Yersin là Di tích lịch sử quốc gia

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa có Quyết định bổ sung điểm di tích Nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin tại Hòn Bà, xã Suối Cát, H.Cam Lâm (Khánh Hòa) vào Di tích lịch sử quốc gia.

 

Cách đây 33 năm, Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng là Di tích quốc gia theo Quyết định số 993-QĐ ngày 28.9.1990.

Di tích là một quần thể các địa điểm riêng lẻ, tiêu biểu, nổi bật, gắn bó trực tiếp với cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A.Yersin, bao gồm 3 địa điểm là thư viện tại Viện Pasteur Nha Trang (đường Trần Phú, P.Xương Huân, TP.Nha Trang), chùa Linh Sơn, mộ A.Yersin (xã Suối Cát, H.Cam Lâm).

Nhà làm việc của bác sĩ Yersin là Di tích lịch sử quốc gia

Nhà làm việc của bác sĩ A.Yesin trên núi Hòn Bà

Năm 2021, Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin đã đề xuất tỉnh Khánh Hòa xem xét đề nghị xếp hạng di tích đối với nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin tại khu vực Hòn Bà để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cùng với quần thể di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học A.Yersin.

Hòn Bà cao 1.578 m so với mặt nước biển, là một ngọn núi nằm giữa hai xã Khánh Phú (H.Khánh Vĩnh) và xã Suối Cát (H.Cam Lâm) thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách TP.Nha Trang khoảng 60 km về phía tây nam.

Năm 1914, bác sĩ A.Yersin đã tiến hành khảo sát Hòn Bà, đưa một số cây công nghiệp vào trồng thí nghiệm và đã thành công với cây thuốc quinquina, giống cây cao su – một loại cây có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trong công nghiệp.

Hòn Bà là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho rất nhiều loại cây thuốc nên ông đã quyết định xây dựng ngôi nhà gỗ lớn tại đỉnh núi này để nghiên cứu thuốc chữa bệnh. Trên khu vực Hòn Bà trước đây có căn nhà gỗ, bể chứa nước để bác sĩ A.Yersin sử dụng làm nơi ở. Tuy nhiên, sau đó khu vực này bị bỏ hoang, ngôi nhà chỉ còn lại nền móng.

Năm 2005, Công ty CP Yasaka – Sài Gòn – Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho quản lý sử dụng đã cho xây dựng lại căn nhà gỗ trên nền móng cũ. Ngôi nhà được xây dựng có kết cấu tương tự hình ảnh ngôi nhà cũ của bác sĩ A.Yersin, kết cấu 2 tầng, lắp ghép bằng gỗ sơn màu đen, mái lợp tôn nâu đỏ, dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin (hiện nay các hiện vật, tranh ảnh đã được Công ty cổ phần Yasaka – Sài Gòn – Nha Trang tháo dỡ).

Năm 2016, Công ty cổ phần Yasaka – Sài Gòn – Nha Trang có văn bản xin bàn giao khu vực này lại cho tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, khu vực nhà làm việc này nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa) quản lý.

Bác sĩ Yersin sinh ngày 22.9.1863 tại Lavaud, hạt Vaud, Thụy Sĩ. Năm 1891, ông đặt chân đến Nha Trang và đã có khoảng thời gian gần nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở đây cho đến ngày mất (1.3.1943).

Những năm tháng chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai của mình cũng là khoảng thời gian ghi dấu sự nghiệp của ông, một nhà khoa học vĩ đại của nhân loại, cũng như những đóng góp to lớn của ông đối với dân tộc Việt Nam.

Ông đã hoàn thành 55 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị với đời sống con người. Trong đó, công trình khoa học cộng tác cùng Emile Roux tìm ra độc tố bạch hầu; nghiên cứu ký ninh trị bệnh sốt rét từ cây canh-ki-na do ông di thực.

Ngoài ra, bác sĩ Alexandre Yersin thực nghiệm nhiều giống cây cao su, ca cao, cà phê, trà… từ châu Âu vào Việt Nam. Ông còn đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương, là người phát hiện ra Hòn Bà (Khánh Hòa); năm 1893, ông khám phá cao nguyên Langbiang (Lâm Viên), TP.Đà Lạt ngày nay…

Từ việc sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, bác sĩ A.Yersin đã có những đóng góp vào việc thành lập các Viện Pasteur ở Hà Nội, Đà Lạt, và làm quản lý hệ thống các Viện Pasteur ở Đông Dương. Bác sĩ Yersin còn là người sáng lập Trường Y khoa Đông Dương (tiền thân của Trường Đại học Y Hà Nội) vào ngày 27.2.1902 và là hiệu trưởng đầu tiên của trường.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img