Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn và trả lời chất vấn; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia phiên chất vấn. Trong nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động đang là vấn đề cấp bách được doanh nghiệp và người lao động chờ đợi.

Thiếu đơn hàng, thiếu việc làm

Là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng sang năm 2023, suy thoái kinh tế và lạm phát tại một số thị trường đã tác động đến sức mua hàng điện tử. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng khách hàng thay đổi, thay vì chạy theo công nghệ, mẫu mã mới, khách hàng có xu hướng mua sắm sản phẩm tiện dụng, giá cả phải chăng… Sức mua giảm, không ít doanh nghiệp điện tử đang thiếu đơn hàng.

Cùng với ngành điện tử, doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày… đang gặp khó khăn từ việc thiếu đơn hàng do cầu thế giới giảm mạnh. Không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế (giảm 11,6% trong 5 tháng đầu năm) mà với 6/7 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 5 tỷ USD trước đây rơi vào tăng trưởng âm, việc làm của hơn nửa triệu lao động đang bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp và người lao động đợi giải pháp tiếp sức

Gần 6.000 công nhân công ty Pouyuen bị cắt giảm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Trong đó, 279.409 lao động thôi việc, mất việc làm (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng), đa phần tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn (chiếm 49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất). Ngoài ra, còn có hàng vạn lao động bị giảm giờ làm, bị ngừng việc, nghỉ việc không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng lao động. Nhóm lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) bị thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%.

Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Xuân Liễu – Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm) cho biết: trước đó, có nhiều dự báo nhận định đến hết quý 1/2023 kinh tế phục hồi, đơn hàng quay lại nhưng đến tháng 5 – giữa quý 2 nhưng đơn hàng quay lại chưa nhiều. Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng của Ban IV về tình hình việc làm và chính sách hỗ trợ người lao động cũng nhận định, làn sóng sa thải lao động sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm nay.

Ban IV đã khảo sát gần 9.560 doanh nghiệp trong tháng 4. Theo đó, có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động song 71% số này có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Mong đợi giải pháp hỗ trợ kịp thời

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp và người lao động cần được hỗ trợ bằng cách chính sách hiệu quả, kịp thời. Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Ban IV đề xuất cần giải pháp trước mắt là cho phép doanh nghiệp, lao động không phải thu nộp kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên mà được giữ lại để hỗ trợ người lao động đến hết năm 2024.

Doanh nghiệp và người lao động đợi giải pháp tiếp sức

Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận gói hỗ trợ, khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn

Ngoài ra, Ban IV cũng kiến nghị Chính phủ giãn, hoãn các khoản khác liên quan đến bảo hiểm xã hội, xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới phù hợp thực tiễn để người lao động dồn nguồn lực trang trải các nhu cầu cuộc sống, giảm áp lực lẫn kỳ vọng vào khoản tiền rút bảo hiểm xã hội một lần…

Là một trong ngành chịu tác động lớn, đơn hàng và đơn giá của ngành dệt may giảm từ 15 – 20% khiến kim ngạch xuất khẩu quý 1 chỉ đạt 8,7 tỉ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ. Dệt may cũng là ngành có số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm lớn nhất. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ Chính phủ đã công bố bằng những điều kiện tiếp cận cụ thể, phù hợp và đơn giản hơn so với hiện nay, nhất là gói giảm lãi suất 2%.

Bên cạnh đó, một chính sách được ban hành kịp thời nhưng cần phải triển khai ngay là Thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, phải gồng mình lo đơn hàng sản xuất để không phải, hoặc hạn chế sa thải nhân công trong khi đơn giá giảm sâu. 

Về lâu dài, Phó Chủ tịch Trương Văn Cẩm kiến nghị các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững, chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.