Saturday, April 27, 2024

Vẽ và trưng bày tranh trên… trời

Từ tháng 12 đến tháng 2 hằng năm, du khách bốn phương có thể đến tham quan không gian nghệ thuật Nautilus ở Plaza de Mulas thuộc ngọn núi Aconcagua (Argentina), nơi đã đạt kỷ lục Guinness “Phòng trưng bày tranh nghệ thuật đương đại cao nhất thế giới” vào năm 2010.

 

Nautilus là phòng trưng bày tranh của họa sĩ Miguel Doura nằm ở độ cao 4.300m so với mặt nước biển, trên ngọn núi Aconcagua ở Argentina. Ở đó, thiên nhiên đã trở thành nghệ thuật, theo phong cách hội họa của thời kỳ Hậu ấn tượng.

Vẽ và trưng bày tranh trên... trời

Một góc trong phòng trưng bày tranh trên bầu trời của họa sĩ Miguel Doura

Vẽ và trưng bày tranh trên... trời

Họa sĩ họa sĩ Miguel Doura đang vẽ tranh ở độ cao vài ngàn mét

Miguel Doura sinh năm 1962 tại tỉnh Buenos Aires (Argentina). Anh học mỹ thuật tại trường Prilidiano Pueyrredón ở địa phương. Kể từ năm 2003, Miguel bắt đầu chinh phục ngọn núi Aconcagua cao nhất châu Mỹ, bỏ lại ngôi nhà nhỏ của mình trong khu rừng ở Mar de las Pampas.

Vẽ tranh trên bầu trời

Ban đầu, Miguel leo lên ngọn núi có địa hình hiểm trở này, tất cả chỉ vì vì khát vọng chinh phục độ cao. Tuy nhiên, khi cắm trại ở Plaza de Mulas, cao 4.300m so với mặt nước biển thì anh lại chợt nghĩ mình có thể làm gì ở đây. Bằng cách kết hợp niềm đam mê nghệ thuật và sự ngưỡng mộ đối với ngọn núi Aconcagua, Miguel bắt đầu vẽ tranh, lấy cảm hứng từ bối cảnh chung quanh. Nhiệt độ thời điểm đó trong năm là âm 25 độ C, thường kèm theo gió rét dữ dội.

Khi cắm trại, Miguel sống trong hoàn cảnh cô lập hoàn toàn, hầu như không sử dụng internet. Anh nói: “Tôi thường không biết hôm nay là ngày nào trong tuần, nhưng tôi biết liệu có tuyết hay bão sắp đến hay không… Tôi thức dậy vào buổi sáng trong chiếc túi ngủ, đôi khi tôi thấy hơi thở của mình đóng băng xung quanh. Nếu thời tiết cho phép, tôi ngồi trên một số chiếc ghế có sẵn bên ngoài và bắt đầu vẽ…, từ đó tôi có một tầm nhìn tuyệt vời ra toàn bộ khu trại và ngọn núi Aconcagua”. Trong một bài viết về Miguel Doura, nhà báo Kristen Stephenson cho biết, “Đôi khi Miguel Doura quên rằng anh đang ở trên trái đất. Anh cảm thấy xa rời bất kỳ nền văn minh nào. Đối với anh, hội họa là một loại tự do, một khoảnh khắc của sự trung thực hoàn toàn. Khi vẽ tranh, họ cảm thấy như mình đang ở trong cái bong bóng, tách rời bên ngoài thế giới”.

Phòng tranh đạt kỷ lục thế giới

Phòng tranh đó có tên là Nautilus, do họa sĩ Miguel Doura đặt ra, dựa vào tên của chiếc tàu ngầm hư cấu trong tiểu thuyết của nhà văn Pháp Jules Verne thế kỷ 19. Giống như những nỗ lực đã diễn ra trong 20.000 dặm dưới đáy biển, quá trình thành lập phòng trưng bày nghệ thuật hằng năm của Miguel cũng khá gian truân. 

Vẽ và trưng bày tranh trên... trời

Họa sĩ Miguel Doura trong phòng trưng bày tranh Nautilus ở độ cao 4.300m, sẵn sàng đón chào khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan

Trong vài năm đầu tiên anh cắm trại trên ngọn núi Aconcagua, những cơn bão dữ dội đã phá hủy lều trại của anh, buộc Miguel phải tìm một nơi trú ẩn lớn hơn và kiên cố hơn để chứa những tác phẩm của mình. Đó là chiếc lều có “cửa sổ” bằng nhựa PVC lớn ở một đầu. Khi ở trong lều, nhìn qua cửa sổ, anh thấy tuyết rơi bên ngoài và có cảm giác anh giống như thuyền trưởng của một con tàu, khiến anh liên tưởng đến chiếc tàu ngầm Nautilus của Jules Verne. Kể từ năm 2010, con tàu không gian nghệ thuật Nautilus của Miguel Doura bắt đầu đạt kỷ lục Guinness “Phòng trưng bày nghệ thuật đương đại cao nhất thế giới”.

Không chỉ có phòng tranh Nautilus

Mặc dù được công nhận là “Họa sĩ của ngọn núi Aconcagua”, chủ đề tác phẩm tuy đa dạng, song hầu như tác phẩm của Miguel Doura luôn liên quan đến phong cảnh, núi rừng hoặc biển cả. Tranh của anh nổi bật phong cách Fauvism (trường phái dã thú), chịu ảnh hưởng của danh họa Van Gohn, tràn ngập màu sắc với những màu bổ sung liên tục. Miguel chủ yếu sử dụng phấn màu dầu làm phương tiện thể hiện, nhưng cũng làm nổi bật tác phẩm của mình bằng than chì hoặc sơn dầu thể hiện chủ nghĩa siêu thực với những mảng màu lớn. Và dĩ nhiên, anh còn là họa sĩ của trường phái hậu hiện đại (postmodernity).

Miguel đã từng vẽ tranh ở Ushuaia (Argentina), thành phố cực nam của thế giới, ở North Cape của Na Uy… Ngoài hội họa, Miguel Doura còn là nhiếp ảnh gia nghệ thuật, có nhiều hình ảnh xuất hiện trên các ấn phẩm của Argentina và nước ngoài, kể cả những minh họa cho bưu thiếp, lịch, tạp chí và sách về các chủ đề khác nhau.

Vẽ và trưng bày tranh trên... trời

Vài hình ảnh về hoạt động của họa sĩ Miguel Doura

Hằng năm, du khách từ bốn phương đến tham quan phòng trưng bày “độc lạ” của Miguel Doura. Họ đến từ Alaska, Nam Mỹ cho tới châu Âu hay bán đảo Kamchatka… Họ nhìn ngắm những bức tranh theo phong cách hậu ấn tượng của Miguel, từ những bức vẽ có chất liệu than chì cho tới sơn dầu.

Trong những vị khách ghé thăm phòng trưng bày tranh, có một người đặc biệt, đó nhà du hành vũ trụ của NASA, Dominic L. Pudwill Gorie, người đã hoàn thành bốn nhiệm vụ tại ISS từ năm 1998-2008 và ba lần đạt được huy chương Chuyến bay vào Vũ trụ của NASA trong sự nghiệp phi hành gia của mình. Gorie rời đi với bức tranh của Miguel, đó là một kỷ niệm khó quên của họa sĩ này. Miguel Doura rất vui trước bất kỳ khách du lịch nào đến tham quan phòng tranh Nautilus và sẵn sàng chụp ảnh lưu niệm với tất cả các vị khách ấy.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img