Trước thông tin từ Bộ Công Thương cho biết: hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày vì sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW. Trong khi đó, sản lượng không đáp ứng được trung bình một ngày khoảng 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh. 

Vì vậy, từ giữa tháng 5 đến nay, tình trạng mất điện đột ngột cũng như việc thiếu điện đã xảy ra ở miền Bắc dẫn đến phải cắt điện luân phiên ở nhiều khu vực, bao gồm cả khối sản xuất. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn khi việc cắt điện xảy ra thường xuyên.

Doanh nghiệp nhôm kiến nghị không cắt điện sản xuất đột ngột

Việc cắt điện đột ngột còn nguy cơ đe dọa lớn đến an toàn lao động trong ngành nhôm

Việc cắt điện ảnh hưởng đến tất cả các ngành sản xuất, tuy nhiên là một ngành sản xuất đặc thù các doanh nghiệp ngành nhôm đã phải lên tiếng “kêu cứu” vì khi xảy ra mất điện đột ngột khiến các dây chuyền sản xuất dở dang, sản phẩm bị hư hỏng không thể khắc phục, không đáp ứng chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành này, tình trạng cắt điện đột ngột khiến các doanh nghiệp đối diện với những thiệt hại lớn. Ngoài việc phải đền bù do chậm đơn hàng, thậm chí bị mất đơn hàng, thiệt hại về nguyên liệu dở dang, thiệt hại do hỏng hóc máy móc thiết bị thì còn nguy cơ đe dọa lớn đến an toàn lao động…

Theo công văn phản ánh, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên thường xuyên, các doanh nghiệp cho biết: “Đặc thù của ngành sản xuất kim loại là luôn cần điện cung ứng liên tục. Tuy nhiên thực tế vừa qua, có địa phương chỉ cung điện 1 buổi/ngày, không đảm bảo thời gian để sản xuất nấu luyện một mẻ hợp kim khiến doanh nghiệp phải đóng lò, ngừng sản xuất để tránh thiệt hại”.

Lấy dẫn chứng từ địa phương, doanh nghiệp cho biết: Với các tỉnh lân cận Hà Nội có lịch cắt điện 1-1 (tức là 1 ngày cấp điện – 1 ngày cắt điện), hoặc 2-1 (2 ngày cấp điện – 1 ngày cắt điện)…

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các thông tin cắt điện thường thông báo muộn vào chiều hoặc tối trước khi cắt điện, thông báo trong các nhóm chat Zalo khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Trước những ảnh hưởng, thiệt hại từ việc cắt điện đột ngột như trên, các doanh nghiệp ngành nhôm đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch điều tiết điện để tránh quá tải trong ngắn hạn 3-5 ngày, đặc biệt tuyệt đối không cắt điện sản xuất đột ngột.

Doanh nghiệp nhôm kiến nghị không cắt điện sản xuất đột ngột

Các doanh nghiệp ngành nhôm gặp phải những khó khăn mới vì cắt điện đột ngột

Các doanh nghiệp đề nghị các đơn vị phân phối điện ưu tiên cung ứng điện cho sản xuất, đặc biệt là ngành sản xuất kim loại. Trường hợp cần giảm tải khẩn cấp thì nên trao đổi với doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có phương án cắt điện linh hoạt ở một số trạm điện trong doanh nghiệp, không nên cắt toàn bộ nguồn cung khiến doanh nghiệp phải dừng sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị ngành điện khi cắt điện cần có thông báo trước với khách hàng bằng tin nhắn khẩn hoặc gọi điện, sau đó phải hoàn thiện lại bằng văn bản để các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và thông tin lý do đơn hàng chậm tới khách hàng nhằm chia sẻ rủi ro này.

Việc cắt điện liên tục không chỉ với ngành nhôm, việc cắt điện cũng ảnh hưởng tới các ngành sản xuất và các hoạt động kinh doanh khác như du lịch, logistics, chăn nuôi… Cách đây ít ngày, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam gửi công văn tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc cắt điện luân phiên thường xuyên tại Hải Phòng, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.