Saturday, April 27, 2024

Nhìn lại ‘tao đàn’ Chiêu Anh các: Hoàng Khoan và Nguyễn Cư Trinh

Mạc Thiên Tứ nói Trần Trí Khải đã đem Hà Tiên thập vịnh về Châu Giang, “chia đề nơi Bạch xã”. Có thể thấy rằng các thi nhân họa thơ với Mạc Thiên Tứ đều có liên hệ với nhau theo một cách nào đó.

 

Trần Trí Khải quen biết Dư Tích Thuần, Lương Loan, Uông Hậu Lai. Uông Hậu Lai lại nhắc đến một người tên Thi Tử Tu đã cùng Trần Trí Khải tranh giành “cẩm bào trùng điệp” tại xứ Hà Tiên. Vì vậy, việc khảo sát văn tập và hành trạng của những nhân vật đã biết sẽ mở ra cơ hội để tìm ra danh tính của các nhân vật khác.

Nhìn lại

Ba bài Hà Tiên thập vịnh trong di tập của Hoàng Khoan

Những thi nhân có liên hệ với Uông Hậu Lai

Năm 1718, tại Quảng Đông diễn ra một hội thi thơ quy mô lớn, đặt tên là Việt Đài cổ tích bát vịnh thi xã. Nội dung cũng là đề vịnh tám cảnh đẹp ở Quảng Đông. Hội thi thu thập được hơn 3.000 quyển, chấm đậu được 500 người. Tác phẩm trúng tuyển được in trong Kiệu hoa tập. Chỉ mười người có tác phẩm được đăng trọn vẹn trong tập này. Trong đó có Uông Hậu Lai và một người tên Sái Đạo Pháp. Sái Đạo Pháp trong cuộc thi đó tự là Cảnh Hành, người huyện Phiên Ngung. Đó có thể chính là Sái Đạo Pháp đã họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh cùng Mạc Thiên Tứ.

Một người khác cũng tham gia cuộc thi này là Hoàng Khoan. Hoàng Khoan tự Hạc Đường, người Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, sinh vào khoảng niên hiệu Thuận Trị (1644 – 1661) và Khang Hi (1662 – 1722), giấu kín danh tiếng và hành trạng, không cúi ngửa với đời, từ nhỏ đã học Đạo, nhưng không câu nệ vào việc mặc vàng, tụ khí, nhịn ăn, uống sương, mà lại giỏi thi ca, từng vào núi La Phù, trú ở quán Xung Hư; rồi sau lui về sống ở phía tây Tuệ Thành. Tác phẩm có Tự Nhiên đường di thi gồm 3 quyển, có lời tựa của Uông Hậu Lai đề năm Kỷ Tỵ niên hiệu Càn Long [1749].

Tự Nhiên đường di thi còn chép ba bài vịnh cảnh vật Hà Tiên. Ba bài đó là Lư Khê ngư bạc, Giang Thành dạ cổThạch Động thôn vân. Có thể suy đoán rằng Hoàng Khoan từng vịnh toàn bộ mười cảnh Hà Tiên, nhưng di cảo thu thập được chỉ còn lại ba bài. Mặc dù vậy, trong An Nam Hà Tiên thập vịnh cũng như trong ghi chép của Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức đều chưa từng nhắc đến Hoàng Khoan và tác phẩm của ông. Trong tập thơ của Hoàng Khoan còn ghi lại mấy bài thơ trong sự kiện Việt Đài cổ tích bát vịnh thi xã hồi năm 1718, mà Uông Hậu Lai và Sái Đạo Pháp có tham dự. Ngày nay chúng ta vẫn còn giữ được bức họa của Uông Hậu Lai vẽ núi La Phù – nơi Hoàng Khoan từng tu tiên. Uông Hậu Lai cũng là người đề tựa trong bản in đầu của Tự Nhiên đường di thi. Vì vậy, có thể tin rằng giữa Uông Hậu Lai và Hoàng Khoan có quan hệ mật thiết. Không loại trừ khả năng Hoàng Khoan biết được việc vịnh mười cảnh Hà Tiên thông qua Uông Hậu Lai. Chi tiết này cũng cho thấy năm 1736 Hoàng Khoan vẫn còn sống. Ngoài ra Hoàng Khoan còn có bài thơ Tống hữu nhân trùng chi An Nam (Tiễn người bạn lại đi An Nam). Điều này cho thấy Hoàng Khoan quen biết không ít người có liên hệ với nước ta. Chúng ta không biết người bạn đó tên gì, nhưng có lẽ là một khách buôn, vì thơ kết bằng hai câu: “Như kim thử xứ hoàng kim quý. Hảo sấn xuân phong tự tại hành” (Như nay xứ ấy vàng là quý. Thong thả đi theo ngọn gió xuân).

Nguyễn Cư Trinh và cuộc giao lưu với hai thế hệ Hà Tiên

Hoàng Khoan không phải là người duy nhất có thơ, nhưng không được đăng trong tập An Nam Hà Tiên thập vịnh. Trước đó, Dư Tích Thuần cũng có 10 bài thơ họa cảnh Hà Tiên, nhưng cũng không thấy đăng trong tập đó. Điều này có thể liên quan đến thời gian sáng tác của các chùm thơ với việc Mạc Thiên Tứ khắc in Hà Tiên thập vịnh.

Một người khác cũng có thơ họa nhưng không xuất hiện trong tuyển tập là Nguyễn Cư Trinh. Nguyễn Cư Trinh hiệu là Đạm Am, người huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Lê Quý Đôn cho biết “Cư Trinh học rộng thơ hay, khi đóng dinh ở Bình Thuận và Gia Định, thường cùng với Tổng binh Hà Tiên là Tông Đức hầu Mạc Thiên Tứ lấy văn tự tặng đáp nhau”. Nguyễn Cư Trinh có họa mười bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên. Cả mười bài này đều được Lê Quý Đôn chép lại. Ngoài thơ, Nguyễn Cư Trinh còn trao đổi thư từ với Mạc Thiên Tứ. Phủ biên tạp lục còn chép lại lá thư Đáp Hà Tiên Mạc tổng binh Tông Đức hầu thư. Thông qua nội dung thư, ta biết Mạc Thiên Tứ từng gửi thư bảo Nguyễn Cư Trinh nếu đọc sách có sở đắc (ngộ ra được vấn đề gì), hoặc chỉ cần đọc rộng được một hai điều gì thì hãy biên thư để chỉ bảo cho mình. Nguyễn Cư Trinh bèn đáp thư với lời lẽ khiêm nhường.

Nguyễn Cư Trinh còn trao đổi thư từ và thi ca với Anh Đức hầu – người mà ông gọi là “Hà Tiên trưởng tử”. Nam hành ký đắc tập của Phạm Nguyễn Du còn chép lại lá thư Di Hà Tiên trưởng tử Cai đội Anh Đức hầu thương (Gửi cây súng cho Hà Tiên trưởng tử là Cai đội Anh Đức hầu). Phủ biên tạp lục thì chép bài Đáp Hà Tiên hiệp trấn Anh Đức hầu thi dẫn (Lời dẫn cho bài thơ đáp lại thơ của Hiệp trấn Hà Tiên là Anh Đức hầu). Có ý kiến cho rằng Anh Đức hầu chính là Mạc Tử Hoàng – người được xem là con trưởng của Mạc Thiên Tứ. Sử liệu về trấn Hà Tiên những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 18 có ghi nhận Mạc Tử Hoàng là Hiệp trấn và cũng là “Thế tử” của Hà Tiên. (còn tiếp)

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img