Saturday, April 27, 2024

Nhìn lại ‘tao đàn’ chiêu anh các: Lương Loan và Uông Hậu Lai

Nắm bắt được sở thích thi ca của Mạc Thiên Tứ nên Trần Trí Khải đã dùng thi tập của nhân sĩ Quảng Đông làm lễ vật. Từ đó mở ra một hoạt động giao lưu văn học quan trọng giữa Hà Tiên và Trung Quốc.

 

Ngoài Dư Tích Thuần thì Trần Trí Khải còn giới thiệu cho Mạc Thiên Tứ quen biết Lương Loan và Uông Hậu Lai.

Nhìn lại

Sơn thủy đồ của Uông Hậu Lai

Mạc Thiên Tứ và thịnh tình với Lương Loan

Lương Loan tự là Trọng Loan, người huyện Thuận Đức, ở đậu tại Hoa Điền, làm nghề dạy học, nhà nghèo, “đạo đức nghiêm cẩn, không mong được biết danh”. Thuận Đức huyện chí cho biết Trần Trí Khải cũng đem tập thơ của Lương Loan cho Mạc Thiên Tứ xem. Biết được hoàn cảnh nghèo khó của Lương Loan nên Mạc Thiên Tứ hết sức cảm khái, từ đó mà có một cử chỉ đã trở thành giai thoại. Người đương thời là La Thiên Xích chép trong sách Ngũ Sơn chí lâm rằng:

“Người đi mua bán ở An Nam xin thơ ca của người tỉnh Việt đem dâng lên. Một hôm đãi tiệc ở trong vườn, chỉ thơ trong sách, hỏi về Dư Ngữ Sơn tiên sinh. Người mua bán đáp rằng:

– Đó là người nhàn nhã, có phước. Cha con, ông cháu đều thi đỗ Giáp, Ất bảng, vợ chồng hòa thuận, sống chung bốn đời. Tuổi đã lên chín mươi mà đi bộ còn khỏe, giọng ngâm hào sảng.

Kế lại hỏi đến Lương quân Trọng Loan. Đáp rằng:

– So với Dư công thì như mây trời với bùn lầy xa cách nhau. Tuổi đã bảy mươi, nghèo mà không có con.

Mạc quân nghe nói hết sức than thở, bảo:

– Ngày nào ngài trở về Việt, xin bảo cho biết.

Tiệc tan, cũng không ghi nhớ việc đó nữa. Đến khi về Việt, bỗng nhiên Mạc sai bốn người Phiên quan khiêng tới một bộ gỗ sa mộc để tặng Lương quân. Lương quân là nhà Nho nghèo, không thể tự đóng quan tài, nên đem ra chợ bán, được vàng hơn hai trăm, dùng nó cấp dưỡng những ngày còn lại. Phiên quan nước ngoài có kẻ sĩ thương kẻ có tài, thích làm việc nghĩa. Có thể vì đất đai mà cách trở sao?”.

Cũng theo lời La Thiên Xích, Lương Loan có làm một bài thơ tạ ơn tặng quan tài. Năm 1742, La Thiên Xích gặp Lương Loan ở chùa Hải Chàng, được đọc bài thơ ấy cho nghe. Ông khen rằng thơ rất hay.

Vào thời điểm đó, Lương Loan vừa già lại nghèo. Dù có số tiền bán gỗ, chúng ta không chắc Lương Loan có tới Hà Tiên hay không. Năm 1742 Lương Loan vẫn ở Quảng Đông. Ông có họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh, nhưng không được ghi chép lại. Thi tập của ông cũng không còn. Ngay đến tên thi tập cũng không còn lưu lại.

Uông Hậu Lai và Mạc Thiên Tứ

Trong danh sách những tác giả họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh có một nhân vật tên Uông Hễ Lai. Đó có lẽ là một lỗi sao chép. Tên đúng của nhân vật này phải là Uông Hậu Lai. Uông Hậu Lai tự Bạch Ngạn, hiệu Lộc Cương. Cha ông vốn người Giang Nam, nhập tịch ở huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông. Ông “sinh ra đã sáng suốt nhanh nhẹn, phong thái đẹp đẽ hào sảng, học rộng, giỏi làm thơ…, nghề vẽ cũng trác tuyệt”. Từ thân phận văn nhân, Uông Hậu Lai lại đi thi võ cử và trúng thí. Năm 1683, ông được bổ làm Thiên tổng ở Phật Sơn, có thành tích đánh dẹp giặc cướp, rồi sau chán làm quan nên từ chức, về sống ở Phật Sơn. Đến cuối đời, ông lập ra thi xã ở Phần Giang, ngoài lúc làm thơ hay vẽ tranh thì chỉ quét bụi, nói chuyện thanh đàm, tuyệt không đề cập đến chuyện thời sự. Tác phẩm của ông có Lộc Cương tập, Đỗ thi củ, Họa sử.

Nhìn lại

Chân dung Uông Hậu Lai

Tào Duy Thành soạn Lộc Cương tiên sinh truyện trong Lộc Cương tập có nói: “Cuối đời, [ông] ngao du sơn thủy, danh ngày càng nổi. Người tới cửa xin dạy bảo thường chật kín. Người bốn phương du ngoạn tới Việt mà không được thư, họa do ông viết thì lấy làm thẹn. Quốc chủ các nước Nhật Nam cũng sai thuyền biển tới mua. Năm nào cũng tìm thư, họa, không nghỉ”. Trong tập thơ của Uông Hậu Lai còn có ba bài giao lưu với Nhật Nam quốc chủ Mạc quân. Đó chắc chắn là Mạc Thiên Tứ.

Bài thứ nhất là: Nhật Nam quốc chủ quân dục quan dư trạng mạo sách kí tiểu ảnh phú đáp (Nhật Nam quốc chủ quân muốn xem diện mạo của tôi, nên đòi gửi ảnh chân dung, làm thơ đáp). Trong đó có câu: “Thần giao nghĩ tục Kê”. Điều này cho thấy Mạc Thiên Tứ chưa hề biết mặt Uông Hậu Lai, nên mới xin bức họa chân dung của ông.

Bài thứ hai là: Đáp Nhật Nam quốc chủ ký kiến (Đáp Nhật Nam quốc chủ, ghi lại những điều nghe thấy). Trong đó có câu: “Cẩm bào trùng điệp nhiêu nhân đoạt (vị Trần Hoài Thủy, Thi Tử Tu); Tự hướng đông nam khấp đạo cùng” (Áo bào gấm trùng điệp nhường cho người khác đoạt [trỏ Trần Hoài Thủy, Thi Tử Tu]; Tự hướng về đông nam khóc vì đường đã cùng). Trần Hoài Thủy rõ ràng là Trần Trí Khải. Thi Tử Tu có lẽ là Thi Trù, người họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh. Bài thơ này giúp ta xác nhận Uông Hậu Lai đã biết Mạc Thiên Tứ thông qua Trần Trí Khải, cũng giúp ta biết thêm một người đã từng đến Hà Tiên là Thi Tử Tu.

Bài thứ ba là: Kim Dữ lan đào (họa Nhật Nam quốc chủ Mạc quân Hà Tiên thập cảnh) (Kim Dữ chắn sóng, họa Hà Tiên thập cảnh của Nhật Nam quốc chủ Mạc quân). Đây là bằng chứng cho thấy Uông Hậu Lai không chỉ họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh mà còn họa cả Hà Tiên thập vịnh. Đáng tiếc là chúng ta không có Lộc Cương tập trong tay để xác minh xem Uông Hậu Lai chỉ có một bài này, hay có đủ mười bài họa cảnh Hà Tiên; và còn hay không thơ họa Thụ Đức Hiên tứ cảnh được chép trong tập ấy? (còn tiếp) 

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img