Saturday, April 27, 2024

Thế giới bán 150 USD/tấn carbon, Việt Nam bán quá thấp chỉ 5 USD?

Xung quanh câu chuyện chuyển nhượng tín chỉ carbon, thời gian gần đây có ý kiến cho rằng mức giá 5 USD/tấn carbon của Việt Nam là khá thấp. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bán tín chỉ carbon nhưng giá cao hơn gấp nhiều lần. Thực hư về mức giá này như thế nào, liệu Việt Nam có đang chịu thiệt?

Đề xuất thí điểm đấu giá gần 5 triệu tấn carbon

Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018 – 2019.

Thế giới bán 150 USD/tấn carbon, Việt Nam bán quá thấp chỉ 5 USD?- Ảnh 1.

Theo Bộ NN-PTNT, thị trường carbon trong nước sẽ được thiết lập và vận hành chính thức trong năm 2028

ĐT

Báo cáo nêu rõ, tháng 10.2023, Ngân hàng Thế giới (WB) có thư gửi Bộ NN-PTNT xác nhận báo cáo kết quả thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải kỳ 1 vùng Bắc Trung bộ. Theo đó, WB xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký.

Với giá chuyển nhượng 5 USD/tấn CO2, số tiền thu về ước khoảng trên 1.200 tỉ đồng.

Giữa tháng 12.2023, sau khi Bộ NN-PTNT ký văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2, WB có thư xác nhận chuyển giao lại khoảng 95% kết quả giảm phát thải đã chuyển nhượng cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC) theo cam kết đã ký.

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018 – 2019.

Bộ NN-PTNT đề xuất cho phép chuyển nhượng 1 triệu tấn CO2 cho WB theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.

Số 4,91 triệu tấn CO2 còn lại, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đề nghị WB xem xét giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thực hiện thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Trường hợp thực hiện theo phương thức thí điểm đấu giá, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT xây dựng phương án thí điểm đấu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cần nâng chất lượng tín chỉ carbon

Bộ NN-PTNT thông tin, khi cho ý kiến về phương án chuyển nhượng, các bộ và địa phương đều đồng thuận phương án chuyển nhượng bổ sung lượng giảm phát thải cho WB như Bộ NN-PTNT đề xuất.

Song, Bộ Tài chính và một số địa phương đề nghị xem xét về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho đối tác khác ngoài WB.

Thực tế, xung quanh câu chuyện chuyển nhượng tín chỉ carbon, thời gian gần đây có những ý kiến cho rằng mức giá 5 USD/tấn carbon của Việt Nam là khá thấp. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bán tín chỉ carbon nhưng giá cao hơn gấp nhiều lần. Ví dụ, ở châu Âu có thể được bán tới từ 120 – 150 USD/tấn carbon, các thị trường khác có thể bán từ 70 -100 USD/tấn carbon.

Trao đổi với Thanh Niên sáng 25.3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, 5 USD/tấn carbon là mức giá chuyển nhượng theo hình thức tự nguyện, nên thấp hơn giá theo hình thức bắt buộc. “Chuyển nhượng theo hình thức bắt buộc, mức giá do từng quốc gia áp đặt. Còn chuyển nhượng theo hình thức tự nguyện là có sự trao đổi giữa người mua và người bán”, ông Trị nói.

Bên cạnh đó, kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018 – 2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại.

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện thế giới dao động từ 2 – 4 USD/tấn CO2, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất trên thế giới năm 2021 đạt 3,07 USD/tấn CO2.

Theo trang carboncredits.com chuyên cập nhật và theo dõi thị trường carbon trên thế giới, mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 5.3 đạt 1,57 USD/tấn CO2.

“Quan trọng là WB chỉ mua tượng trưng, họ thực nhận 5%, còn tới 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC. NDC là cam kết của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, ước tính giai đoạn 2021 – 2030, nếu làm tốt, Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỉ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Dù vậy, để bán được giá cao, cần nâng chất lượng tín chỉ carbon rừng. Không chỉ đơn thuần là làm tăng khả năng hấp thụ, mà còn cần cải thiện điều kiện làm việc của những người thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ; liên quan đến các tiêu chí về kinh tế – xã hội và môi trường bền vững…

Ngày 21.3, WB thông tin, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB.

Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img