Tiếp cận nguồn lực khó khăn

Theo báo cáo Chỉ số nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ nữ giới tham gia vào các hoạt động kinh doanh cao và đạt được  nhiều thành công trong phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nền kinh tế mà khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đóng vai trò là cột sống thì những kết quả đạt được chưa xứng với khả năng thực tế mà họ có được.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Lưu Thị Hòa trở về quê hương – thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nông sản đặc sản địa phương. Nhìn thấy mặt hàng đang kinh doanh có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nữ Giám đốc của hợp tác xã ở vùng đồng bào thiểu số gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu lập nghiệp. Đó là thiếu vốn, thiếu kiến thức, kỹ năng kinh doanh, thiếu khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu chiến lược và kế hoạch phát triển mô hình kinh doanh…

Hỗ trợ sức bền cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Nữ  chủ doanh nghiệp Lư Thị Hoà (thứ 2 từ bên phải) chia sẻ kinh nghiệm quản lý sức khoẻ tài chính doanh nghiệp

Đặc biệt, trong suốt đại dịch COVID – 19, nông sản hàng hoá tiêu thụ khó khăn trong khi các công cụ để doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng, rút ngắn khoảng cách với nhóm khách hàng mục tiêu không có nhiều, ngoài lợi thế của mạng xã hội và các công cụ công nghệ.

Trong những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sức khoẻ tài chính chưa đảm bảo là một trong những rào cản hạn chế sự phát triển và khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ. Chị Nguyễn Thị Thu – sáng lập viên hệ sinh thái Mevi chia sẻ thêm: sức khoẻ tài chính được hiểu theo nghĩa rộng, ngoài khả năng quản lý dòng tiền và doanh thu còn có thêm khả năng phòng ngừa rủi ro, dự phòng độ “dẻo dai”, thích ứng của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Từ góc độ doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu cho rằng, đánh giá trên các rủi ro doanh nghiệp dự phòng chính là nội dung quan trọng được các đối tác tài chính xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn. Đó là chưa kể, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn thiếu tài sản đảm bảo, chưa đảm bảo chuẩn mực trong cách thức quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp… khiến cho việc  tiếp cận sản phẩm tài chính truyền thống rất khó khăn, thậm chí dễ bị từ chối

Nâng cao sức đề kháng cho doanh nghiệp nhỏ

Tuy đang gặp nhiều hạn chế, thách thức nhưng khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được đánh giá là cột sống của nền kinh tế; đồng thời cũng là nhóm đón đầu xu hướng thương mại điện tử và có những đóng góp đã được kiểm chứng khi tái đầu tư vào hộ gia đình, cộng đồng.

Hỗ trợ sức bền cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Cần có gói hỗ trợ tài chính phù hợp với quy mô hoạt động và đặc thù của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Ở góc độ khác, đại diện ngân hàng VPBank cũng đánh giá cao nhóm khách hàng tín dụng này nhờ khả năng trả nợ đúng hạn, nghiêm túc với tỷ lệ nợ quá hạn thấp, góp phần mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Điều quan trọng hơn, theo bà Payal Dalal – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các hoạt động tác động xã hội tại thị trường quốc tế thuộc Trung tâm phát triển toàn diện Mastercard, giải pháp thiết thực và hiệu quả là cung cấp các sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Từ thực tế triển khai chương trình hỗ trợ thông qua sáng kiến Strive Women, theo bà Payal Dalal, với việc chủ động áp dụng lăng kính giới và thiết kế lấy phụ nữ kinh doanh làm trọng tâm, chương trình đã mang các dòng vốn hỗ trợ đến với phụ nữ; kết nối họ với các nguồn lực giúp tăng cường sức bền và thúc đẩy sự phát triển. Cùng với đó, giải quyết các rào cản đặc thù mà các nữ chủ doanh nghiệp phải đối mặt như xây dựng năng lực, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số và tăng cường mạng lưới hỗ trợ, phù hợp với nhu cầu của nhóm đích.