Tuesday, April 30, 2024

Vị trí Việt Nam thay đổi ấn tượng trong đối ngoại của Nhật Bản

Ngày 3.4 vừa qua, giới ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã tổ chức buổi ăn sáng đón tiếp đoàn Việt Nam do Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai dẫn đầu. Tôi cũng được mời tham gia, nhân dịp này gặp lại hai cựu đại sứ Nhật tại Việt Nam Yushita Hiroyuki và Umeda Kunio.

Gặp lại hai đại sứ làm tôi nghĩ đến vị trí của Việt Nam trong đối ngoại Nhật Bản đã thay đổi rất ấn tượng mà ít người để ý. Đối với Nhật, cử ai làm đại sứ ở đâu thường theo nguyên tắc (có thể có ngoại lệ) là cùng một người làm đại sứ ở nước A sau đó làm đại sứ ở nước B thì B quan trọng hơn A trong tầm nhìn đối ngoại của họ. 

Vị trí Việt Nam thay đổi ấn tượng trong đối ngoại của Nhật Bản - Ảnh 1.

Bên trái bà Trương Thị Mai là nguyên Đại sứ Yushita Hiroyuki và bên phải là nguyên Đại sứ Umeda Kunio. Cạnh Đại sứ Umeda là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. Tác giả đứng cạnh Đại sứ Yushita.

Trong trường hợp của ta, tôi quen với các đời đại sứ Nhật tại Việt Nam từ đầu thập niên 1990 đến nay nên biết các ông giữ những nhiệm sở ở đâu trước và sau khi làm đại sứ ở Hà Nội. Chỉ kể vài trường hợp tiêu biểu. Ông Yushita nói trên làm đại sứ ở Hà Nội đầu thập niên 1990 sau đó về bản bộ ở Tokyo làm việc vài năm thì được cử làm đại sứ ở Philippines. Vài đời sau đó, ông Suzuki Katsunari sau khi làm đại sứ ở Việt Nam được cử đi Brazil. Ông Tanizaki Yasuaki sau khi ở Việt Nam đi làm đại sứ ở Indonesia. Tới đời Đại sứ Umeda Kunio thì thay đổi một cách ngoạn mục. Ông làm đại sứ ở Brazil rồi mới đến Việt Nam (ngược lại với trường hợp ông Suzuki), nhận nhiệm vụ từ 2016 đến 2020 sau đó thì về hưu. Trong buổi gặp ngày 3.4 vừa qua ông Umeda cũng nói với tôi là Việt Nam bây giờ đối với Nhật là nước quan trọng nhất trong khối ASEAN, làm đại sứ ở Việt Nam xong sẽ về hưu hoặc làm việc ở bộ chứ không đi nước nào khác nữa.

Ông Umeda Kunio không những là đại sứ đánh dấu một chuyển tiếp ấn tượng trong quan hệ Việt – Nhật mà còn là người tiếp tục gắn bó với Việt Nam sau khi mãn nhiệm. Sau khi trở về từ Việt Nam (tháng 3.2020) ông tập trung thời giờ viết cuốn sách về quan hệ hai nước. Cuốn sách chủ yếu bàn về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản nhưng có nhiều hàm ý rộng hơn và rất sâu sắc về chiến lược ngoại giao nói chung của cả Nhật Bản và Việt Nam. Thông điệp lớn nhất của tác giả là Nhật Bản và Việt Nam là “đồng minh tự nhiên”, ý nói là đồng minh không dựa trên hiệp định chính thức nhưng dựa trên sự tin cậy cao độ và sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Nguyên tác tiếng Nhật được nhà xuất bản Shogakkan phát hành tháng 6.2021 tại Tokyo. Một bạn trẻ người Việt Nam làm việc tại Osaka đã dịch ra tiếng Việt. Tôi là người hiệu đính, viết lời giới thiệu và tìm nhà xuất bản tại Việt Nam. Tến sách trong nguyên tác tiếng Nhật là Biết Việt Nam sẽ thấy được nguy cơ của Nhật Bản nhưng bản tiếng Việt tôi chọn tên sách là Nhật Bản và Việt Nam là Đồng minh tự nhiên (Nhà xuất bản Thế giới, Omega+ phát hành, 2023). Cuốn sách cho thấy đối với Nhật Bản, Việt Nam là một quốc gia rất quan trọng. Hai nước có sự tin cậy lẫn nhau rất mạnh. Nhật và Việt có quan hệ như một “đồng minh tự nhiên”. Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh chẳng những quan trọng đối với Việt Nam mà còn quan trọng đối với việc ổn định và phồn vinh của cả khu vực Đông Á. Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với Việt Nam và giúp Việt Nam phát triển.

Ông Umeda Kunio là nhà ngoại giao lịch lãm, hiểu biết sâu sắc quan hệ quốc tế, có kiến thức rộng về chính trị và kinh tế thế giới, nhưng cũng là người rất khiêm tốn. Ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Umeda phụ trách nhiều nước nhưng ông có vẻ có cảm tình nhiều nhất với Việt Nam và đánh giá cao vị trí của Việt Nam tại châu Á. Từ lúc ông mãn nhiệm ở Việt Nam và trở về Nhật Bản, tôi có gặp, trao đổi qua điện thư nhiều lần, và có dịp cùng tham gia hội thảo về quan hệ hai nước. Ông thường nói là tuy năng lực có hạn, ông sẽ làm hết sức mình để giúp Việt Nam phát triển và giúp giới trẻ Việt Nam đang học tập tại Nhật. Ông là người thật sự yêu mến đất nước và con người Việt Nam.

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 31.3 – 3.4.2024. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, với dấu mốc mới nhất là sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (tháng 11.2023).


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img