Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng

Các đại biểu và chuyên gia Quốc tế tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Thành Quân cho biết, tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trường lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn được đề cập trong văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, xác định kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

“Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động tạo ra chuỗi giá trị gia tăng mới hiệu quả cao đảm bảo tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững”, ông Lê Thành Quân đánh giá.

Theo ông Quân, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ghi nhận vai trò to lớn trong các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trong đó, có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các khu công nghiệp, vốn là trung tâm hoạt động kinh tế, hiện đang chuyển hướng từ mô hình kinh tế tuyến tính mà tại đó nguyên vật liệu đầu vào sử dụng, tạo ra sản phẩm và thải bỏ sang sang mô hình ưu tiên thiết kế bền vững, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái chế. Bằng cách tích hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như thiết kế sản phẩm bền lâu, tái sử dụng vật liệu và triển khai hệ thống quản lý chất thải hiệu quả.

Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng

Ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong những năm vừa qua, Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện mô hình KCN sinh thái trong đó thúc đẩy thực hiện các mô hình cộng sinh công nghiệp được coi là một hình thức sáng tạo để tăng năng suất sử dụng tài nguyên và là một trong những cách tiếp cận đề hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) và hướng đến đạt được tăng trưởng xanh.

“Với những mô hình KCN sinh thái tăng cường thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và công sinh công nghiệp, trong giai đoạn 2020 – 2024, 88 doanh nghiệp tại 5 thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2 hàng năm”, ông Lê Thành Quân cho biết.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế thời đại mà nhiều quốc gia trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21 và phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Trong đó, mô hình KCN sinh thái chính là động lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa mô hình kinh tế tuần hoàn là một nội dung quan trọng trong việc tổ chức triển khai phát triển kinh tế đến năm 2030. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã cam kết thực thỏa thuận Paris, cũng như thực hiện Net-zero chuyển đổi năng lượng cân bằng và cũng đã có kế hoạch để thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng

ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.

Cũng theo ông Thọ, Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường cũng khẳng định, mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình đảm bảo được các tiêu chí như: giảm tiêu thụ nhiên liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm phát thải, giảm rác thải ra môi trường; không gây tác động xấu lên môi trường.

“Trong Nghị định 08 cũng quy định, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Việt Nam coi mô hình Kinh tế tuần hoàn là công cụ để thực hiện thành công cam kết net-zero và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2035, ông Thọ cho biết, có 3 chỉ tiêu cụ thể: Thứ nhất, về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Tổng giá trị sản xuất tạo ra trên 1 đơn vị tài nguyên khoảng sản sử dụng GDP phân theo loại khoáng sản chính đạt nhóm đầu ASEAN; Công suất các nhà máy điện sinh khối, điện sản xuất từ rác đạt 2.270 MW (chiếm 1,5% tổng công suất các nhà máy điện); Tỷ lệ tiêu thụ năng lương tính trên đơn vị GDP (KgOE/GDP) giảm dần theo các năm; Tỷ trong năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đến năm 2030 dạt 15-20%.

Thứ hai, về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân người dân (kg/người/ngày) giảm dần theo các năm; Tỷ lệ rác thải hữu cơ được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn; Tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đạt trên 70%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10%-15% so với năm 2020

Thứ ba, về hiệu quả kinh tế – xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững. Số lượng việc làm mới được tạo ra từ thực hiện kinh tế tuần hoàn tăng dần theo các năm. Số lượng các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng các giải pháp của kinh tế tuần hoàn tăng dần theo các năm; Số lượng các công nghệ, thiết bị, sản phẩm được chuyển giao ứng dụng, cấp băng sáng chế về tái chế, tái sử dụng tăng dần theo các năm.Số lượng tổ chức tham gia vào tư vấn, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn tăng dần theo các năm.

Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng

Hội nghị “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tổ chức.

Trình bày tham luận về vai trò của KCN sinh thái trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, ông Nilgün Taş, chuyên gia quốc tế, tham gia trực tuyến nêu 02 câu hỏi dành cho doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Thứ nhất, kinh tế tuần hoàn có mang lại ý nghĩa kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái không? Thứ hai, KCN sinh thái có phải là một đề xuất kinh doanh tốt hơn một Khu công nghiệp thông thường không?

Ông cho rằng, trong nền kinh tế tuyến tính, nguyên liệu thô trở thành sản phẩm mới. Sau khi sử dụng, chúng bị loại ra khỏi nền kinh tế, quay trở lại môi trường dưới dạng chất ô nhiễm.

“Thực hành tuần hoàn giải quyết 3 thách thức liên hệ với nhau. Chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn là một sự chuyển đổi kinh tế. Trong đó, nâng cấp các ngành công nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo. Tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm mới và tăng khả năng chống chịu & phục hồi của các công ty và các quốc gia”, ông Nilgün Taş chia sẻ.

Ông cũng chi ra các chiến lược kinh doanh diện rộng cho nền kinh tế tuần hoàn: Thứ nhất, “Thu hẹp” dòng chảy – cần ít nguyên liệu hơn thông qua: Cải thiện hiệu quả. Thiết kế lại/thiết kế sản phẩm để nhẹ hơn/sử dụng ít nguyên liệu hơn, loại bỏ bao bì; Thứ hai, “Làm chậm lại” dòng chảy bằng cách: Kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm thông qua việc bảo trì, sửa chữa, sử dụng đồ cũ. Và chia sẻ sản phẩm, chia sẻ phương tiện; Thứ ba, “Khép kín vòng lặp” bằng cách: tái chế các bộ phận sản phẩm vẫn còn sử dụng được thông qua việc tái sản xuất, tân trang. Và tái chế các vật liệu vẫn nằm trong các sản phẩm đã qua sử dụng.