Theo đó, nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu Hàn Quốc, Hanmi Semiconductor mới đây cho biết họ đã thành lập một công ty con địa phương, Hanmi Việt Nam, tại khu vực Bắc Ninh, một thành phố ở phía bắc Việt Nam. 

Việt Nam ngày càng "hút" các nhà sản xuất chip

Nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu Hàn Quốc Hanmi Semiconductor sẽ đến Việt Nam.

Động thái này là một phản ứng nhanh nhẹn của Hanmi Semiconductor đối với tình hình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất chính của các công ty bán dẫn toàn cầu. Việc Hanmi thành lập công ty địa phương tại Việt Nam được coi là bước đi tận dụng khả năng tiếp cận chiến lược với chuỗi cung ứng công nghệ cao châu Á và nguồn nhân tài dồi dào tại Việt Nam.

Theo các nhà phân tích trong ngành, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ các công ty bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh có sự ổn định cao về chính trị, cùng với một nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ cao châu Á.

Ông Kwak Dong-shin – Giám đốc điều hành của Hanmi Semiconductor cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua công ty con tại địa phương của Hanmi Việt Nam với các chuyên gia kỹ sư dịch vụ và bán hàng tại địa phương”.

Trên thực tế, Hanmi Semiconductor, được thành lập vào năm 1980. Khách hàng quan trọng nhất của họ hiện là Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), một công ty đang dẫn đầu ngành công nghiệp đúc trên toàn cầu. Các sản phẩm của Hanmi bao gồm micro SAW, máy cắt đóng gói chip; Vision Placement, máy kiểm tra và làm sạch chip; và Meta Grinder, một máy mài dành cho kính thực tế ảo và thực tế tăng cường, thiết bị xử lý chính cho các gói 3D bán dẫn.

Việt Nam ngày càng "hút" các nhà sản xuất chip

Hanmi Semiconductor là nhà sản xuất thiết bị chip top 10 thế giới.

Giữa tháng 5 vừa qua, Hanmi Semiconductor là nhà sản xuất thiết bị chip đầu tiên và duy nhất của Hàn Quốc đã lọt vào top 10 thế giới trong bảng xếp hạng của TechInsights, một công ty nghiên cứu và phân tích chất bán dẫn toàn cầu.

Danh sách này dựa trên một cuộc khảo sát các khách hàng sử dụng thiết bị bán dẫn trên toàn thế giới. Hanmi cũng được mệnh danh là công ty tốt nhất trong lĩnh vực lắp ráp thiết bị xử lý chip. Họ là công ty thiết bị bán dẫn duy nhất của Hàn Quốc được xếp hạng ngang hàng với các đối tác đẳng cấp thế giới như ASML, Lam Research và Applied Materials trong cuộc khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng TechInsights năm 2023.

Trung tâm sản xuất Việt Nam

Có thể nói, sự mở rộng này của Hanmi đã diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang chào đón các khoản đầu tư nước ngoài đáng kể vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam ngày càng "hút" các nhà sản xuất chip

Các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang coi Việt Nam là điểm đến hứa hẹn.

Samsung, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2023, tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình khi Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác tìm cách đa dạng hóa và hoàn thiện chuỗi cung ứng công nghệ.

Gã khổng lồ Hàn Quốc hiện đang thử nghiệm các sản phẩm mảng lưới bóng và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở phía bắc tỉnh Thái Nguyên. Đầu năm ngoái, tập đoàn này cũng rót thêm 920 triệu USD vào nhà máy linh kiện điện tử tại Thái Nguyên.

Samsung, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, lần đầu tiên đầu tư 1,3 tỷ USD vào đơn vị cơ điện tử vào năm 2013, nơi sản xuất bo mạch chính và các linh kiện điện tử khác. Năm ngoái, con số này đã tăng lên 20 tỷ USD. Gã khổng lồ điện tử này cũng có sáu nhà máy trong nước và một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại thủ đô Hà Nội. Chất bán dẫn sẽ đánh dấu mảng kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.

Trước đó, gã khổng lồ chip của Mỹ là Intel cũng đang cân nhắc khoản đầu tư bổ sung trị giá 1,31 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở này là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Intel, đóng góp tới 70% sản lượng toàn cầu của công ty.

Ngoài ra, Synopsys, nhà sản xuất phần mềm chip danh tiếng có trụ sở tại Mỹ, tuyên bố thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam vào tháng 8 năm 2022. Synopsys đã ký một Biên bản ghi nhớ với khu công nghệ cao Sài Gòn của Việt Nam để cung cấp đào tạo cho các kỹ sư điện Việt Nam đồng thời cấp 30 giấy phép, trị giá 20 triệu USD, cho khu công nghệ. Theo đại diện của Synopsys, khi Mỹ tìm cách hạn chế số lượng vận chuyển công cụ sản xuất chip đến Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế tối ưu.

Chưa hết, các nhà sản xuất chip khác, bao gồm Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix và NXP Semiconductors cũng đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam. Những công ty này đã đặt nền móng về cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần cũng như các trung tâm nghiên cứu, từ đó biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các khoản đầu tư tiếp theo vào ngành.

Có thể nói, các động thái này của những nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trên thị trường quốc tế và sự thận trọng của công ty đối với lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.