Friday, April 26, 2024

Máy đánh ký hiệu âm nhạc, một phát minh kỳ thú ít người biết

Từ thế kỷ 19, thế giới đón nhận những phát minh kỳ thú về loại máy tạm gọi là “Máy đánh ký hiệu âm nhạc”. Trong khi trước đây để có một bản nhạc người ta thường viết tay, sử dụng máy in hoặc dùng các công nghệ khác như khắc gỗ, in thạch bản hay tái tạo ảnh…

Máy đánh ký hiệu âm nhạc (Music Typewriter) là một loại máy có cách vận hành tương tự như máy đánh chữ. Theo trang SMART (Bảo Tàng Nhỏ, Liên minh đại diện các vùng lãnh thổ), ý tưởng phát triển loại máy này thực hiện sớm nhất là vào năm 1734. 
Máy đánh ký hiệu âm nhạc, một phát minh kỳ thú ít người biết

Máy đánh ký hiệu âm nhạc Musicwriter II của hãng IBM, sản xuất vào năm 1988

Đến năm 1885, bằng sáng chế đầu tiên cho một thiết bị như vậy đã cấp cho nhà phát minh Charles Spiro, đó là một vật thể giống như một chiếc máy khâu. Tiếp theo là bằng sáng chế cấp cho F. Dogilbert vào năm 1906, người đã chế tạo một máy đánh ký hiệu âm nhạc trông giống như một chiếc máy khắc cơ học.

Máy đánh ký hiệu âm nhạc hoàn chỉnh

Sau khi nhiều nhà phát minh đã tìm tòi chế tạo, thể nghiệm đủ cách, một chiếc máy đánh ký hiệu âm nhạc thật sự mới được chế tạo hoàn chỉnh, sử dụng được. Người tiên phong trong lĩnh vực này là nhà phát minh người Đức Gust Rundstatler, ông đã hoàn thành một hệ thống viết nhạc mới, được coi là hệ thống gõ nhạc tốt nhất thời đó. Máy này do nhà máy Archo sản xuất ở Frankfurt vào năm 1936, với phiên bản xuất khẩu ban đầu gọi là Melotyp.

Melotyp là máy đánh ký hiệu âm nhạc gây tiếng vang lớn ở nước Đức, nó có thể viết được toàn bộ bản nhạc và đã nhận được giải thưởng tại triển lãm thế giới ở Paris, rất tiếc là về phương diện thương mại thì không thành công. 

Máy đánh ký hiệu âm nhạc, một phát minh kỳ thú ít người biết

Máy đánh ký hiệu âm nhạc Melotyp do nhà phát minh Đức Gust Rundstatler, nhà máy Archo sản xuất ở Frankfurt vào năm 1936

Máy đánh ký hiệu âm nhạc, một phát minh kỳ thú ít người biết

Máy đánh ký hiệu âm nhạc Keaton, loại cải tiến 33 phím do Robert H. Keaton chế tạo vào năm 1953

Sau đó, nhà máy Continental đã phát triển một máy đánh ký hiệu âm nhạc khác dựa trên máy đánh chữ tiêu chuẩn của Continental, có thể gõ được tất cả các nốt và các ký hiệu nhạc cần thiết. Đến năm 1936, một kiểu máy đặc biệt ra đời ở San Francisco, bang California, nước Mỹ. Chiếc máy này nhanh chóng được cấp bằng sáng chế với tên gọi là Keaton-Music Typewriter.

Kiểu máy đánh ký hiệu âm nhạc Keaton đầu tiên có 14 phím do Robert H. Keaton chế tạo năm 1936. Kế tiếp là một bằng sáng chế khác cấp cho loại máy Keaton cải tiến có 33 phím vào năm 1953. Người ta có thể gõ kiểu máy này trên một tờ giấy nằm phẳng giống như cơ chế của đánh máy chữ.

Máy đánh ký hiệu âm nhạc Keaton hoạt động như thế nào ?

Theo trang Music Printing History, loại máy Keaton này có một tay cầm gọi là tay cầm dịch chuyển tỷ lệ. Tay cầm này di chuyển trên một vòng cung kim loại có khía từ phải sang trái của bàn phím hình tròn; một một cây kim dài sẽ di chuyển theo liền kề với ruy-băng, cho biết vị trí in ký hiệu nhạc tiếp theo.

Máy Keaton có hai bàn phím – một bàn phím cố định nhỏ hơn và một bàn phím di động lớn hơn, cả hai đều được di chuyển bằng tay cầm chuyển tỷ lệ. Bàn phím nhỏ chứa các dòng thanh và dòng sổ cái ở vị trí cố định trên tờ giấy; bàn phím lớn chứa các nốt, dấu nghỉ, dấu thăng, dấu giáng và các ký hiệu âm nhạc khác. Ngoài ra, có ba phím giãn cách sử dụng cho các mục đích khác nhau, chẳng hạn như thêm khoảng trắng cho các dấu chấm, ghi chú nốt hoa mỹ hoặc dấu chấm. Các phím được ấn thẳng xuống giấy nơi kim dài chỉ vị trí. Một dải băng in chạy bên dưới các biểu tượng cho phép quá trình in diễn ra.

Ngày nay, bên cạnh những kiểu máy đánh ký hiệu âm nhạc Keaton, người ta vẫn không quên chiếc máy “Musicwriter” do Cecil S. Effinger phát minh năm 1946. Máy này trông giống như một chiếc máy đánh chữ đời đầu của IBM với bàn phím QWERTY. Phiên bản tiếp theo của nó, trên thực tế, lại là một bộ xử lý văn bản do IBM sản xuất.

Máy đánh ký hiệu âm nhạc, một phát minh kỳ thú ít người biết

Những trang giới thiệu, quảng cáo và cách sử dụng máy đánh ký hiệu âm nhạc Keaton

Một phát minh khác mà lịch sử in nhạc không đề cập đến là chiếc máy do cô Lillian Pavey chế tạo vào năm 1961. Cô sử dụng một máy chép nhạc trong giống như máy đánh chữ, ghi lại các nốt nhạc từ một đĩa hát. Một kiểu máy khác cũng là máy đánh ký hiệu âm nhạc, vốn không được bán đại trà cho người tiêu dùng, song chúng rất quý giá đối với giới sưu tập, đó là chiếc Musicwriter II bóng bẩy của hãng IBM sản xuất vào năm 1988.

Ngày nay, vẫn còn một số máy đánh ký hiệu âm nhạc Keaton trong các viện bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân. Trong những năm 1950, nhiều máy Keaton đã được bán trên thị trường với giá khoảng 225 USD. Loại máy này cho giúp các nhà xuất bản, nhà giáo và nhạc sĩ dễ dàng tạo ra các bản nhạc với số lượng lớn. Tuy nhiên, dường như giới soạn nhạc thích viết nhạc bằng tay hơn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img