Tại VBF 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: đề án thị trường carbon đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện. Trước đó, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam  đã chi trả khoản tiền đầu tiên là 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) để mua tín chỉ carbon cho các chủ rừng khu vực Bắc Trung Bộ.

Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên

Ngoài ra, hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp tín chỉ carbon với số lượng khoảng trên 41 triệu tín chỉ carbon. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2025 dự kiến thị trường tín chỉ carbon được vận hành. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần 2.000 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải kiểm kê carbon và số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Thị trường tín chỉ carbon nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được đánh giá cao bởi tiềm năng tạo tín chỉ carbon, nhất là ngành lâm nghiệp với khoảng 14 triệu ha rừng, trong số đó gần một nửa là rừng sản xuất. Do cây có tính năng hấp thụ carbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ nên nguồn thu của doanh nghiệp không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon.

Tại VBF 2024, ông Muto Shiro – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết, Nhật Bản cam kết hỗ trợ đầy đủ cho mục tiêu giảm phát thải carbon của Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2050, cũng như các biện pháp hỗ trợ thị trường tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, Nhật Bản hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng “thực tế” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Quá trình hợp tác này dựa trên khái niệm AZEC – cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á. Khu vực tư nhân Nhật Bản cũng sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh.

Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới

Ông Muto Shiro – Phó Chủ tịch JCCI

Theo ông Muto Shiro, JCCI đã thành lập Nhóm công tác xúc tiến AZEC/GX phối hợp với các hoạt động của Chính phủ Nhật Bản. Với sự tham gia của Đại sứ quán Nhật Bản, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và khoảng 40 doanh nghiệp hội viên JCCI từ phía Nhật Bản để thúc đẩy các dự án cụ thể và chia sẻ những thông lệ tốt nhất với các bộ, ban, ngành của Việt Nam liên quan nhằm góp phần đổi mới xanh thông qua công nghệ giảm phát thải carbon, đầu tư và tài chính. Thông qua các hoạt động này, JCCI cùng nhau nỗ lực đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon ở Việt Nam.

Để nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững, JCCI khuyến nghị Việt Nam sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực; đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện VIII và môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng. Cụ thể, bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật PPP để nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.