Saturday, April 27, 2024

‘Con muốn sống’: Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất con

Nhiều bệnh nhi ung thư đến TP.HCM điều trị không những ngày đêm chống chọi với nỗi đau thể xác, mà còn phải đối mặt vô vàn khó khăn về kinh tế.

Nhiều gia đình của bệnh nhi ung thư đã tiêu đến những đồng tiền cuối cùng, đành nương nhờ lòng hảo tâm của người khác để giành giật sự sống với những hy vọng thật mong manh…

Cách Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức) chừng 2 km có một ngôi nhà đặc biệt mang tên “Nhà lưu trú 0 đồng mẹ Như”. Không chỉ là chỗ ở miễn phí, nhà trọ còn là nơi mang đến tiếng cười, tiếp thêm động lực để các “chiến binh nhí” chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Hành trình 11 năm của cha

Buổi chiều muộn giữa tháng 3.2024, khi đến thăm các khu nhà trọ gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Thấy (37 tuổi, quê H.Trần Văn Thời, Cà Mau) và nghe anh kể về người ân nhân giúp đỡ mình trong quá trình chạy chữa bệnh ung thư mắt cho con là Nguyễn Văn Khang (13 tuổi) ở TP.HCM.

'Con muốn sống': Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất con- Ảnh 1.

Anh Thấy luôn cố gắng từng ngày, chăm sóc con từng chút một

UYỂN NHI

11 năm trôi qua nhưng với người cha này, ký ức về ngày cùng con tìm “ánh sáng” vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Anh Thấy kể, con trai sinh ra phát triển bình thường, đến năm 2 tuổi, người nhà tình cờ thấy con ngươi (đồng tử) mắt trái của con có ánh trắng đục nên đưa đi khám ở Bệnh viện Mắt TP.HCM. Các bác sĩ xác định con anh bị ung thư mắt và tiến hành múc bỏ mắt trái rồi chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị.

“Lúc đó tôi đang làm phụ hồ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nghe tin con bị bệnh, tôi mặc nguyên bộ đồ dính vôi vữa, lao đến bệnh viện. Đến nơi thì bác sĩ mổ mắt rồi. Mọi thứ quá nhanh nên lúc đầu tôi còn không hình dung nổi bệnh của con, chỉ biết mổ là nặng lắm”, anh cho hay.

Hỏi thăm chuyện gia đình, mãi anh Thấy mới cho hay là vợ anh bỏ đi khi con trai đang vào hóa chất toa đầu tiên. Một mình anh Thấy chạy đi chạy lại như con thoi từ ngày con phẫu thuật đến tận khi con bước vào quá trình truyền hóa chất, xạ trị dài đằng đẵng.

Việc một người đàn ông vừa làm cha làm mẹ không dễ. Những ngày đầu con đau buốt vì vào hóa chất, anh Thấy chỉ biết đặt bé lên lưng cõng đi dạo quanh khuôn viên bệnh viện để mong con tạm quên nỗi đau cơ thể.

Giấy khám bệnh của con đã dày hơn 1 quyển sách

Trụ lại trong bệnh viện gần 11 năm, anh Thấy nói đùa con trai mình là “cựu chiến binh” của bệnh viện này, bởi ít bệnh nhi nào trụ lại lâu như Khang. Anh không nhớ nổi con trai đã vô hóa chất, xạ trị bao nhiêu lần, chỉ nhớ giấy khám bệnh của con đã dày hơn 1 quyển sách.

Dù phải trải qua nhiều lần xạ trị, hóa trị nhưng Khang luôn tỏ ra mạnh mẽ. Khang thường an ủi khi thấy ba buồn, cố gắng ăn sau những ca truyền thuốc mệt lả người. Khi hỏi về ước mơ của mình, Khang dõng dạc: “Con muốn mình sớm khỏi bệnh để được đi học và kiếm tiền xây nhà cho ba”.

Hỏi ra mới biết vì sao Khang lại có ước mơ xây nhà. Gia đình anh Thấy thuộc diện hộ nghèo, nhà có 2 công đất, anh Thấy đành phải bán để chạy chữa cho con nên ở nhờ nhà ông bà nội nghèo khó. Ở nơi đất khách quê người, để kiếm thêm thu nhập, anh đi bán vé số quanh khu vực bệnh viện, làm thợ hồ… Trung bình mỗi ngày anh kiếm được 100.000 đồng.

'Con muốn sống': Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất con- Ảnh 2.

Bé Khang điều trị bệnh ung thư mắt được 11 năm

UYỂN NHI

“Thường trú” tại bệnh viện

Tháng 7.2023, bệnh của Khang trở nặng khi ung thư di căn qua mắt còn lại, nên tiền thuốc thang cho Khang khoảng 10 triệu đồng/tháng. Anh Thấy tâm sự, không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất con, không nỗi đau nào bằng nỗi đau khi nghĩ tới tương lai mờ mịt của con nếu không được điều trị. Đó là lý do mà anh không bao giờ bỏ cuộc, không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào cho con dù là hy vọng mong manh.

“Nhiều khi khó khăn quá cũng phải cố gắng chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho con. Tôi đã sinh ra nó thì phải làm tròn trách nhiệm làm cha, phải nuôi nấng nó thành người”, anh gạt nước mắt, nói.

Còn ước mơ duy nhất của anh Thấy là có tiền chữa bệnh cho con. Được thấy con trai khỏe mạnh, được đi học cùng các bạn rồi sau này thành đạt – điều mà Khang luôn tin, lớn lên Khang sẽ làm được.

Ờ TP.HCM, có những ngày 2 cha con anh Thấy không còn đồng bạc lận lưng và sống bằng “tình thương đồng bào”, bằng sự sẻ chia của các nhà hảo tâm.

Cha con anh Thấy “thường trú” tại bệnh viện. Những ngày bác sĩ được cho về nhà khi xong toa thuốc, 2 cha con sẽ về “tạm trú” trong căn nhà trọ 0 đồng.

Những em nhỏ không may mắc bệnh ung thư, đã và đang khát khao níu giữ sự sống trong hành trình chiến đấu với bệnh nan y. Đa phần các em đều có gia cảnh ngặt nghèo. Bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong bài viết này, có thể liên hệ anh Nguyễn Văn Thấy qua số điện thoại 0824770724.

Chúng tôi được sự đồng ý của anh Thấy trong việc sử dụng hình ảnh trong bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho Khang và ba của cháu đang cố gắng hết sức chăm lo cho cháu.

Những ngày sống nhờ… người dưng

Nhà trọ 0 đồng mà cha con anh Thấy đang tá túc là của chị Phạm Nguyệt Linh (42 tuổi, quê Kiên Giang). Sau 7 năm nấu bếp cơm từ thiện, tháng 7.2023, chị Linh thuê căn nhà trong hẻm đường 225B (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức) với giá 35 triệu đồng/tháng làm chỗ ở miễn phí cho bệnh nhi ung thư.

Căn nhà có diện tích hơn 136 m2, 2 tầng, có 21 phòng được gắn máy lạnh, khu vực bếp, nhà vệ sinh riêng. Nơi đây hiện là nơi ở của hơn 21 gia đình bệnh nhi.

'Con muốn sống': Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất con- Ảnh 3.

Chị Phạm Nguyệt Linh mong các bệnh nhi vượt qua “cửa tử”

UYỂN NHI

Hỏi vì sao dựng nhà lưu trú 0 đồng, thì chị Linh nói trước đây chị có 5 năm ròng rã cùng con chiến đấu với bệnh ung thư tuyến tụy. Năm 2018, con chị qua đời, đồng cảnh ngộ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang chật vật chạy chữa cho con, nên chị đã mở nhà lưu trú 0 đồng với mong muốn tiếp sức cho các gia đình.

Ở đây mọi người sống hòa hợp vì cảm thông được hoàn cảnh của nhau. Hầu như tuần nào các gia đình cũng cùng nhau nấu khoảng 500 suất/buổi và nấu 5 buổi/tuần các suất cơm miễn phí, sau đó đem phát ở cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 cho những người khó khăn. “Kinh tế tôi có chút dư dả, có bạn bè, các nhà hảo tâm đồng hành nên tôi mới có khả năng duy trì nhà lưu trú và bếp cơm miễn phí”, chị Linh nói.

Trong khoảng thời gian chữa bệnh cho con ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, anh Thấy đã gần 1 năm ăn, ở miễn phí tại nhà lưu trú mà chị Linh thuê. “Nhiều lần tôi túng thiếu không có tiền cho Khang vô thuốc, chị Linh cũng đứng ra kêu gọi, giúp đỡ cha con tôi mà không đắn đo gì. Tôi biết ơn chị Linh đã cưu mang cha con tôi”, anh Thấy nói.

'Con muốn sống': Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất con- Ảnh 4.

Các bà mẹ bệnh nhi ung thư đang nấu đồ ăn miễn phí ở nhà lưu trú 0 đồng của chị Linh

UYỂN NHI

Ung thư mắt là gì?

Ung thư mắt ở trẻ em gặp khá phổ biến, đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ. Đây là căn bệnh do khối u bên trong nội nhãn, thường ở trẻ dưới 6 tuổi.

Theo TS-BS Phạm Thị Minh Châu, Phó trưởng khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi năm cả nước phát hiện hơn 100 bệnh nhi ung thư mắt, chủ yếu là ung thư võng mạc, u màng bồ đào, u mống mắt… Nếu không được điều trị sớm, các bệnh nhân sẽ phải bỏ mắt.

Trong thực tế điều trị, 70% trẻ không thể giữ lại mắt, giữ thị lực do đến viện muộn, khối u phát triển lớn phá vỡ nhãn cầu. Chỉ khoảng 30% trẻ được phát hiện sớm, giữ được mắt.

Chuyên gia cũng cho biết, bệnh ung thư mắt có yếu tố di truyền. Với những bệnh nhân bị ung thư mắt, có trẻ từ 1 tháng tuổi đã được phát hiện có khối u, điều trị ngay hoàn toàn giữ được thị lực cho trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi khám định kỳ vào các mốc thời gian sau 1 tuổi, sau ba tuổi và trước khi vào lớp 1. Đối với trẻ trong độ tuổi đi học cần khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng. Đặc biệt, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như lé đồng tử, ánh đồng tử trắng, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có thể có triệu chứng giả viêm như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn hoặc viêm tổ chức hốc mắt.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img