Saturday, April 27, 2024

Vì sao người dân ngại đưa – đón dâu qua cầu Bà Nghè?

Cầu Bà Nghè nối 2 xã An Nhất và Tam Phước (H.Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) là cây cầu kỳ lạ vì xưa nay người dân địa phương không dám đưa, đón dâu đi qua.

 

Bà Rịa – Bà Nghè

Sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong cuối thế kỷ 17 được thể hiện trong 2 sử liệu quan trọng, đó là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí được viết trong khoảng thời gian Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành (1805-1808 và 1816). Đây là bộ địa lý học – lịch sử được biên soạn công phu theo thể loại địa chí, gồm 6 quyển ghi chép về Trấn, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.

Vì sao người dân ngại đưa - đón dâu qua cầu Bà Nghè?

Hình ảnh khắc họa lại Bà Rịa cùng người dân khai hoang vùng đất xã Tam An

Trong bộ sách này, Trịnh Hoài Đức không chỉ ghi chép tỉ mỉ từng tên sông, tên núi, tên vùng đất mà còn giải thích cặn kẽ ý nghĩa của các địa danh ấy.

Về Bà Rịa, Trịnh Hoài Đức đề cập như sau: Bà Rịa người Phú Yên (1665-1759). Năm 15 tuổi (1670) thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào Nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình lồi lõm phức tạp, nổi tiếng là vùng nước độc, chướng khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có rất nhiều thú dữ.

Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, Bà Rịa lao vào công việc khai khẩn ở vùng rừng núi Đồng Xoài (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa ngày nay), tiếp đó mở rộng về hướng biển đến Lữ Khê rồi tiến ra vùng Gò Xoài – Phước Liễu (xã Tam An, nay là 2 xã An Nhất và Tam Phước, H.Long Điền) và tiếp tục khai hoang đến Láng Dài – Xuyên Mộc.

Vì sao người dân ngại đưa - đón dâu qua cầu Bà Nghè?

Mộ Bà Rịa ngày nay

Đặc biệt, Bà Rịa huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ. Bà Rịa không rõ họ gì, chỉ biết rằng bà có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, là người đức độ, có uy tín khắp cả vùng.

Với những công trạng đó, bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè (như tiến sĩ danh dự ngày nay) và sắc phong cho mang họ nhà Chúa, từ đó có tên là Nguyễn Thị Rịa.

Vì sao người dân ngại đưa - đón dâu qua cầu Bà Nghè?

Bia tưởng niệm bà Nguyễn Thị Rịa

Bà Nguyễn Thị Rịa sống qua 5 đời Chúa Nguyễn và mất năm 1759, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) tại Hắc Lăng, Phước Liễu (xã Tam An, nay là xã An Nhất và Tam Phước), hưởng thọ 94 tuổi. 

Bà Rịa không có con cái, 300 mẫu ruộng của bà khai khẩn được sung vào công điền chia cho người nghèo. Cây cầu nối 2 xã An Nhất và Tam Phước (nơi Bà Rịa khai hoang 300 mẫu ruộng) được mang tên là cầu Bà Nghè.

Vì sao đoàn đám cưới “né” cầu Bà Nghè?

Hiện nay, mộ và miếu thờ bà Nguyễn Thị Rịa ở xã Tam Phước (H.Long Điền). Phần bia mộ còn khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”. Năm 1902, Trường Viễn đông Bác cổ Đông Dương xây lại mộ Bà Rịa, năm 1936, chính quyền sở tại cho sửa sang lại để ghi nhớ công lao của Bà Rịa. Năm 2008 đến nay, chính quyền các cấp cùng sự ủng hộ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã nâng cấp, sửa chữa, trùng tu khu Mộ và Điện thờ Bà Rịa, đặt bia đá tóm tắt tiểu sử của bà, bức phù điêu ghi lại quá trình khai phá vùng đất phương Nam của bà từ thời chúa Nguyễn.

Vì sao người dân ngại đưa - đón dâu qua cầu Bà Nghè?

Cầu Bà Nghè nối 2 con kênh giữa xã An Nhất và xã Tam Phước

Cầu Bà Nghè cách mộ Bà Rịa chỉ vài trăm mét. Cây cầu nối con kênh nằm trên con đường thẳng tắp giữa cánh đồng lúa của 2 xã An Nhất và Tam Phước.

Theo người dân 2 xã An Nhất và Tam Phước, Bà Nghè sống không chồng con nên quan niệm từ lâu nay của người dân địa phương, mỗi khi nhà nào có đám cưới, đoàn đưa rước dâu đều “né” đi qua cầu Bà Nghè.

Vì sao người dân ngại đưa - đón dâu qua cầu Bà Nghè?

Cầu Bà Nghè bắt qua con kênh giữa cánh đồng lúa 2 xã An Nhất và Tam Phước

“Dù nhà trai chỉ cách nhà gái bên kia cầu Bà Nghè nhưng khi đi đón dâu cũng phải đi đường vòng mà không đi qua cầu này. Người xưa truyền miệng lại rằng, cả đời Bà Nghè sống không chồng con, do đó việc đưa đón dâu đi qua cây cầu là không nên…”, chú Bùi Văn Thành (68 tuổi, bảo vệ mộ Bà Rịa) cho hay.

Ông Phạm Thanh Sơn, công chức văn hóa xã Tam Phước cho biết đã từ lâu nay ông chưa thấy đoàn đám cưới đưa đón dâu của người dân xã An Nhất và xã Tam Phước đi qua cầu Bà Nghè.

“Quan niệm này đã có từ xưa nay, người dân địa phương đưa, đón dâu đều đi đường vòng cho dù xa xôi mà không đi qua cây cầu Bà Nghè. Vì sao đưa đón dâu không đi qua cây cầu Bà Nghè thì đến nay không ai giải thích được, những người già nhất của 2 xã cũng không trả lời được câu hỏi này, họ chỉ nói là nghe ông bà truyền miệng lại”, ông Phạm Thanh Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Tường Thành, Chủ tịch UBND xã An Nhứt cho rằng khi có đám cưới người dân xã Tam Phước và xã An Nhứt ngại đưa – rước dâu qua cầu Bà Nghè là do ông bà xưa truyền miệng từ đời này sang đời khác và cho đến ngày nay. “Hiện nay, nhiều người dân các nơi đến 2 địa phương này ở, không biết câu chuyện truyền miệng về cầu Bà Nghè thì vẫn đưa rước dâu bình thường. Các cặp vợ chồng này vẫn sống vui vẻ, hòa thuận với nhau”, ông Thành nói thêm.

Mộ Bà Rịa và cầu Bà Nghè nằm gần khu ẩm thực quê xã An Nhứt. Khu ẩm thực này mở cửa từ 16 giờ – 22 giờ hằng ngày, thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham quan, ăn uống.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img