Friday, April 26, 2024

Niềm mong ước dành cho chiếc áo dài Việt Nam

Khoảng thời gian 1967-1972, khi đang làm khoa trưởng Y Khoa Đại Học Huế, tôi tổ chức các lễ tốt nghiệp: bác sĩ tân khoa mặc áo dài Việt Nam…

 

Thật là một hình ảnh đáng ghi nhớ: nam nữ tân khoa bác sĩ uy nghi trong chiếc áo dài truyền thống, giơ tay tuyên thệ giữa mùi trầm hương tỏa ngát thính đường. Trong giới y khoa không ai dám công khai phản đối, còn dư luận bên ngoài đều hưởng ứng. Khách mời đến dự lễ, đa số khăn áo chỉnh tề kể cả ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế. Báo chí ca ngợi, coi như một cuộc cách mạng văn hóa giáo dục.

Vì sao tôi cổ xúy việc mặc áo dài? Trước đây tôi cũng đã từng thích diện Âu phục, theo thói quen và cũng xuất phát từ lòng hâm mộ văn minh khoa học Âu-Mỹ. Nhưng sau 4 năm du học tại Mỹ, tôi nhận rõ thế giới là một cộng đồng rộng lớn, trong cộng đồng ấy mỗi dân tộc đều cần giữ gìn và phát huy vẻ đẹp văn hóa của riêng mình, để khỏi tan chảy trong một thế giới càng ngày càng phẳng hơn. Người Việt với ngàn năm Văn Hiến có văn hóa riêng, y phục riêng, hà cớ gì phải khoác lên người những bộ veston như thể ta nhìn các cô sơn nữ vận áo dài phụ nữ Sài Gòn thì đâu còn cái duyên dáng của xiêm y đồi núi “khi nàng về để suối tương tư…”. Từ ấy, trong hoàn cảnh không tiện mặc áo dài tôi mặc chiếc áo cánh (Bắc), áo ngũ thân vạt ngắn (Trung) hay áo bà ba (Nam), chiếc áo mà mặc vào tôi cảm thấy tự hào, cảm thấy mình là mình, không mất gốc.

Niềm mong ước dành cho chiếc áo dài Việt Nam

CLB Đình Làng Việt có 30.000 thành viên

Trở về Việt Nam, tôi tận dụng mọi cơ hội để vận động áo dài là Quốc phục. Tuy vậy, do cái quan niệm ” khăn đóng áo dài” là cổ hủ, là bất tiện, từ lâu bám rễ vào tâm trí của nhiều người, nên đã lâu rồi phần lớn trong công chúng mặc định áo dài là dành cho nữ giới. Biết bao lần ta ngợi ca vẻ đẹp của áo dài Việt, xem đó là hình ảnh của quê hương đất nước, của văn hóa dân tộc… nhưng các đấng tu mi nam tử vẫn thờ ơ đứng ngoài. Ô hay, cái sứ mệnh giữ gìn “quốc hồn quốc túy” đã được giao cho riêng nữ giới từ lúc nào vậy nhỉ? Tôi vẫn thường nghĩ vậy mà nhiều lần trăn trở trong lòng!

Niềm mong ước dành cho chiếc áo dài Việt Nam

Cán bộ Sở VH-TT Thừa Thiên- Huế mặc áo dài trong Lễ Chào cờ đầu tuần

Nhưng thật vui mừng, đến nay điều tôi ước mơ dường như đã từng bước thành sự thực! Trong thời gian gần đây phong trào phục hưng áo dài khởi đầu từ Huế, lan tỏa ra Hà Nội rồi vào đến TP.HCM. Đầu tháng 3. 2023, hơn 3.000 người dân TP.HCM, cả nam lẫn nữ, đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông Phó chủ tịch UBND TP.HCM, xuống đường diễu hành cực kỳ khí thế với những chiếc áo dài tuyệt đẹp.

Niềm mong ước dành cho chiếc áo dài Việt Nam

Buổi diễu hành áo dài thu hút sự tham gia của đông đảo người dân thành phố

Ôi, nhưng dù sao, đấy cũng chỉ mới là những dịp đặc biệt, những ngày lễ hội.

Tôi có ba điều ước:

Thứ nhất, mong sao UBND các tỉnh các thành phố khuyến khích cho các trường học, các cơ quan mặc áo dài ngày thường đi học, đi làm, hay ít ra trong Lễ Chào cờ đầu tuần như Sở Văn Hóa-Thể Thao Thừa Thiên-Huế.

Kế đến, tôi cũng mong ước sinh viên Việt Nam trong Lễ Tốt nghiệp Đại học từ bỏ bộ áo mũ đại học Âu-Mỹ (Toge/Robe) như hiện nay và mặc áo dài Việt Nam như Đại Học Y Khoa Huế cách đây hơn nửa thế kỷ.

Niềm ước mong cuối cùng: trong khi các Đại sứ Việt Nam mặc áo dài đến trình Ủy Nhiệm Thư với Nữ hoàng Anh Quốc, Quốc vương Bhutan, Tổng thống Nepal thì những vị đó cũng mặc Quốc phục của xứ họ ra tiếp mình. Tôi xin kính cẩn mong lãnh đạo cấp Nhà Nước cũng nên mặc áo dài khi tiếp Đại sứ nước bạn hay khi đi công du thăm lãnh đạo các nước thân hữu để họ tôn trọng Việt Nam có ngàn năm văn hiến.

Niềm mong ước dành cho chiếc áo dài Việt Nam

Đại sứ Trần Ngọc An gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Lời chót: Tôi chỉ ước mong chứng kiến ngày trọng đại trước khi nhắm mắt: “Nhà Nước công bố áo dài là Quốc phục (National Formal Dress) cho cả nam nữ trong các buổi lễ quốc gia, ngoại giao quốc tế và tốt nghiệp đại học (National, Diplomatic & Graduation)”.

Lý do: Mặc áo dài, mọi người sẽ TỰ TRỌNG là người Việt Nam hơn, sẽ yêu quê hương Tổ quốc Việt Nam, sẽ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, văn hóa Việt Nam hơn và nhất là sẽ thương yêu nhau, đoàn kết hơn để xây dựng một Việt Nam “Minh Châu Trời Đông” (Việt Nam “Viên Ngọc Đông Phương”).

Tôi mong ước lắm thay!

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

GS.TS.BS.Bùi Duy Tâm là một lão y sư 90 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa Tiến sĩ năm 1964 tại Medical Center at UCSF (University of California in San Francisco), từng là Khoa Trưởng của nhiều trường Đại Học Y Khoa như Huế, Minh Đức, Tân Tạo và Phan Châu Trinh. Ông được Giáo sư Tôn Thất Tùng mời ra thăm Bệnh viện Việt Đức để cùng phẫu thuật gan và được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng đoàn Bộ Trưởng, Thứ Trưởng đến nhà thăm tại San Francisco.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img