Đây là kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối với quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC), tại báo cáo Quý I/2024 của trường về một số chủ đề quan trọng của nền kinh tế trong thời gian qua.

Cần lập Quỹ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu

Việt Nam cần có phương án thay thế sau khi thuế TTTC được áp dụng, để “giữ chân” cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC).

Thuế TTTC là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện có 142/142 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đồng thuận.

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ áp thuế TTTC từ 1/1/2024 như mọi thành viên đã đồng thuận khác của OECD.

Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế TTTC tại Việt Nam. Cơ quan Thuế ước tính ngân sách sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện nộp thuế này.

Việc áp thuế TTTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, vốn có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Các ưu 2 đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại trước đó sẽ không còn tác dụng nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa đánh giá tổng thể về hệ thống các ưu đãi cần có bổ sung hay không nhằm khuyến khích đầu tư, gồm các ưu đãi qua thuế TNDN, và các biện pháp phi thuế để có phương án thay thế sau khi thuế TTTC được áp dụng.

Tức là, nghiên cứu những ưu đãi đầu tư khác phù hợp để “giữ chân” cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, đồng thời gia tăng vị thế của các nhà đầu tư đang có.

Từ các phân tích trên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất hai kiến nghị sau khi thuế TTTC được áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Thứ nhất, đánh giá toàn diện và sâu sắc về việc thực hiện thuế TTTC và tác động đến FDI Chính phủ cần có những nghiên cứu chuyên sâu về việc thực hiện thuế TTTC và tác động của nó đến FDI.

Việc này nhằm mục đích hình thành đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.

Nội dung nghiên cứu về thực hiện Thuế suất TTTC và tác động đến FDI bao gồm, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc thực thi Thuế TTTC, vì ưu đãi thuế TNDN sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Các nước nhập khẩu nhiều vốn trong ASEAN cũng đang rốt ráo nghiên cứu chính sách mới để thích nghi với thuế TTTC. Điển hình là Singapore và Thái Lan đã bổ sung nhiều chính sách nhằm thích ứng với thuế TTTC. Thái Lan cũng đã lập tổ công tác của Chính phủ về gói chính sách nêu trên.

Nghiên cứu sớm các quy định chi tiết theo hướng giảm khả năng khiếu kiện của doanh nghiệp chịu thuế, đồng thời xác định nguyên tắc giải quyết khi khiếu kiện xảy ra, đảm bảo Nhà nước 3 không bị thiệt hại.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính, công cụ xác định thuế suất hiệu quả bằng ứng dụng công nghệ thông tin cũng cần được chuẩn bị tốt để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tính và kê khai nghĩa vụ thuế.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường các kênh đối thoại, tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng khung pháp lý về chính sách, cơ chế quản lý để các giải pháp khi triển khai sẽ thiết thực và nhận được sự đồng thuận tích cực từ phía doanh nghiệp

Thứ hai, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế TTTC. Đối với Việt Nam, việc tham gia triển khai thuế TTTC góp phần tăng cường hội nhập quốc tế nói chung.

Cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng, góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đây là một yếu tố tích cực của việc áp dụng thuế TTTC.

Với nguồn thu tăng thêm, Việt Nam cần có kế hoạch sử dụng một cách hiệu quả nhất. Cụ thể, Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2024 khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác.

Quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt 4 động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ thêm doanh nghiệp bằng biện pháp tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Bao gồm, chi đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, tăng mức trích khấu hao tài sản cố định góp phần thu hồi nhanh vốn đầu tư.

Chi phí nghiên cứu và phát triển. Chi phí đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ. Chi bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh (bao gồm nghiên cứu và ứng dụng).