Cuối năm 2023, giá cà phê tăng cao liên tục, từ 60.000 đồng/kg tại tháng 11/2023, đã nhảy đến mốc 80.000đồng/kg vào cuối tháng 1/2024. Nông dân năm nay rất nhiều người đã không giao cho các đại lý mà họ đã chốt giá trước đó, và các đại lý do không có hàng từ nông dân – nên cũng không giao hàng cho các nhà xuất khẩu, đẩy tình trạng kinh doanh xuất khẩu hỗn loạn. Giá cà phê cao ngất và và nông dân sau thu hoạch cũng ít gửi đại lý, vì giá có chiều hướng đang lên nên họ cũng không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ bán từ từ. Vì vậy, lượng cung nhỏ giọt và giá cao khiến thị trường cà phê cực kỳ căng thẳng… Đó là những phác thảo cơ bản phía sau bức tranh có vẻ rực rỡ của thị trường cà phê giá lên hiện nay. 

Doanh nghiệp "vật lộn" với giá cà phê trong năm 2024

Giá cà phê robusta Việt Nam liên tục phá kỷ lục và hiện nay đang lên tới 94.500đ/kg. (Ảnh minh họa. Nguồn: T.L)

Đầu năm nay tôi đi khảo sát các vùng trồng cà phê, nhận thấy Việt Nam không mất mùa cà phê và cũng như mọi năm, có thể tự tin đạt sản lượng khoảng hơn 28 triệu bao (1,7 triệu tấn). Sản lượng không thấp, có thể xem là được mùa, vì sao cà phê không có hàng giao?

Từ hàng chục năm nay, có một thói quen kinh doanh là trong 3 tháng đầu vụ, các công ty xuất khẩu, các nhà traders nước ngoài, nhà đầu tư FDI thường bán trước đến 50% sản lượng và vào trong vụ thì mua. Tuy nhiên các công ty bán trước giá rẻ và vào trong vụ lúc các công ty mua, lại gặp cảnh giá cà phê được đẩy lên cao liên tục.

Tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000đồng/kg-60.000đồng /kg thì tháng 12/2023 là 62.000đồng /kg – 69.000đồng/kg. Đến tháng 1/2024, giá đẩy lên 70.000đồng/kg và 82.000đồng/kg; đến đầu tháng 3 là 86.000đồng/kg và hiện nay đã lên 94.500đồng /kg. Giá lên cao và nhanh quá không ai trở tay kịp. Nhu cầu thì cao nhưng lượng bán nhỏ giọt. Thêm vào đó khi bán, các công ty xuất khẩu cũng mua từ các nhà cung cấp hay gọi là thương lái và nhiều công ty mua từ hàng ngàn tấn đến chục ngàn tấn. Thương lái lại mua của dân và khi dân thấy giá cao không giao hàng đã ký, thương lái lỗ lớn hay phá sản. Họ cũng không có tiềm lực tài chính để giao cho công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài cho những hợp đồng đã ký. Rất nhiều nhà xuất khẩu đi đòi hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn đã mua rồi, thậm chí đã nhận cọc mà không được giao hàng, họ khó khăn chồng chất.

Ở phía các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua để giao hàng. Trong nước thì cứ tiếp tục tăng giá hàng ngày và bán nhỏ giọt, các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký lỗ chưa từng có. Giá lỗ hàng chục triệu đồng trên tấn mà hợp đồng cà phê thì hàng trăm đến hàng ngàn tấn. Số tiền lỗ khó tưởng tượng. Tình trạng được mùa được giá mà các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, thiệt hại vô cùng lớn.

Thị trường lại cũng có thêm nghịch cảnh khác. Khi giá cà phê robusta Việt Nam tăng giá dữ dội từ đầu vụ thì các nhà rang xay lớn trên thế giới cũng chưa kịp mua hàng, họ đợi chờ giá xuống. Họ nói giá cao quá – cao lịch sử. Tuy nhiên thay vì giá xuống, giá lại tiếp tục tăng và đến lúc không thể chờ nữa họ bắt đầu muốn mua thì các traders lớn trên thế giới lại chưa dám bán. Lúc này các traders lớn chỉ muốn kinh doanh mua ngay bán ngay hay back to back (hợp đồng giáp lưng – BT). Họ bán thì họ mua ngay của các công ty Việt Nam. Nhưng các công ty Việt Nam cũng không dám bán mới nhiều, mà có bán nhiều thì các traders lớn trên thế giới lại không dám mua  – sợ mua đến hạn giao thì các công ty Việt Nam lại không giao được hàng. Tất cả cùng trong trạng thái “canh nhau” và vì vậy càng khó. Có thể nói là các công ty xuất khẩu Việt Nam hầu hết chưa thể quản lý nổi khi giá quá biến động cao như vậy, cà phê tăng hơn 100% chỉ trong 1 mùa vụ và người dân lại “xù” hợp đồng khi giá lên. Điều này phá vỡ mọi mối quan hệ kết nối gần 20 năm qua.

Hiện tại, giá cà phê nhân xô đã chạm tới 94.500đồng /kg; như vậy giá cà phê robusta của Việt Nam là cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Thế là người mua mới họ không mua của Việt Nam nữa mà họ qua Ấn Độ mua hàng. Rất nhiều người mua nước ngoài năm nay thấy thị trường Việt Nam khó khăn cũng tăng mua mới từ đầu năm và giờ họ bán ra lời lớn. Với giá trên 94.000/kg, cà phê rất khó bán mà mua trữ nếu giá giảm thì cũng sẽ lỗ khôn kể.

Làm gì để thích nghi với biến động cà phê robusta Việt Nam?

Các nhà rang xay trên thế giới có phương pháp “ứng phó” thích nghi với biến động giá cà phê robusta ở Việt Nam – quốc gia cung cấp lớn cà phê nguyên liệu – nhân xô cho nhiều thị trường.

Doanh nghiệp "vật lộn" với giá cà phê trong năm 2024

Các nhà rang xay trên thế giới thích ứng với biến động cà phê robusta Việt Nam bằng cách chuyển sang mua cà phê Ấn Độ và trộn arabica của Brazil. (Ảnh minh họa. Nguồn: T.L)

Cụ thể, khi giá cà phê Việt Nam lên đến hơn 4.100-4.200 USD/tấn thì giá cà phê của Brazil chỉ có 3.400/3.500 USD/tấn. Tuy nhiên, hầu hết người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê robusta của Việt Nam hơn cà phê robusta Conilon của Brazil. Trong vòng 14 năm trước, từ nước sản xuất có 12,7 triệu bao robusta Conilon Brazil, họ đã sản xuất đên 23 triệu bao robusta Conilon (1,38 triệu tấn) tại thời điểm hiện nay. Đặc biệt Conilon Brazil chủ yếu tiêu thụ nội địa tại Brazil và chỉ xuất khẩu trên dưới hai triệu bao mà thôi. Tuy nhiên với tình hình giá cao mua khó như thế này, rất nhiều nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển đổi 1 phần qua Brazil và một điều nữa là giá arabica lại không tăng nhiều. Theo dự tính, nguồn arabica không thiếu và lần đầu tiên trong lịch sử 52 năm mới lại lặp lại giá robusta cao hơn arabica, thậm chí có nhiều loại arabica thấp hơn robusta của Việt Nam và Brazil. Do đó, các nhà rang xay lớn trên thế giới cũng mua chuyển đổi một phần từ robusta qua arbica chất lượng thấp để bù đắp nhu cầu của mình. 

Nhìn qua các loại hàng khác

Tôi vẫn còn nhớ suốt năm từ 2012 đến 2015, giá hạt tiêu đen Việt Nam từ 6.000 USD -7.000 USD lên đến hơn 11.000 USD/tấn và ai trồng tiêu làm tiêu cũng say sưa với giá lên. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau vào 2017, giá từ 11.000/USD tấn (giá nguyên liệu lúc đó 220.000đồng/kg) xuống còn 2.500 USD/tấn (nguyên liệu 36.000đồng/kg), theo đó đã phá vỡ mọi cấu trúc kinh doanh và khiến bao doanh nghiệp, đại lý, nông hộ trồng tiêu…và các mối quan hệ kết nối tan tành. Đi thăm vườn khi đó có những người còn 5-7 tấn nhưng họ nói giữ từ 220.000 đồng/kg đợi giá lên 250.000 đồng/kg sẽ bán, không ai ngờ giá sau đó không lên mà xuống còn 36.000đồng/kg, khiến tiếc vì đã giữ hàng. Sau cú sốc giá đó, tiêu đen tụt dốc sản lượng do không còn muốn trồng. Từ sản lượng 300.000 tấn/năm 2015, hiện giờ Việt Nam sản xuất chỉ còn 170.000/tấn năm và giá cũng chỉ hơn 3.800 USD/tấn.

Trở lại với giá cà phê hiện nay, khi giá cao nông dân Việt Nam trồng nhiều hơn và Brazil cũng trồng nhiều hơn, các nhà rang xay lớn mua giống khác thay thế thì Việt Nam chúng ta cũng phải nghĩ chuyện này. Từ sản lượng có hơn 50 triệu bao, Brazil đã cũng cấp 68 triệu bao trong năm nay bao gồm cả arabica và robusta. Với diện tích đất bao la, không khéo một ngày nào đó Brazil cung cấp cả nhu cầu cà phê cho cả thế giới chứ không đùa.

Người ta nói giá lên nhanh thì cũng có lúc xuống, mà lên càng nhanh thì xuống càng nhanh. Chúng ta đang rất vật lộn với giá cả cà phê hiện tại và có lẽ giá cà phê đứng cao cũng còn lâu; tuy nhiên chúng ta cũng sẽ phải nhìn kịch bản khi giá xuống, và lúc đó đau thương cũng không kém.