Saturday, April 27, 2024

Sách hay: Một tiếng nói thuần túy của văn học

Với Phố Ngũ Hương (Nhã Nam và NXB Phụ nữ VN ấn hành, Tố Hinh chuyển ngữ), Tàn Tuyết đã tái hiện một thời kỳ quá độ bằng phong cách châm biếm, giễu nhại khác biệt.

 

Ám ảnh bởi những sức nén

Nổi tiếng với trường phái văn học thuần túy, nghĩa là bày tỏ những điều mà chỉ thuần túy văn học làm được, Tàn Tuyết từng nói: “Văn học thuần túy chỉ có một tiêu chuẩn, đó là tác phẩm phải đạt đến độ sâu tinh thần. Trong lĩnh vực sáng tác văn học thuần túy, càng sâu thì mới càng rộng, càng tự do. Nếu vứt bỏ phương thức khó khăn, mà lựa chọn cách đơn giản, dễ dàng, hời hợt, điều đó chỉ chứng tỏ nhà văn đã sức cùng lực kiệt, vô trách nhiệm với độc giả và cũng chính là tự lừa dối mình”.

Sách hay: Một tiếng nói thuần túy của văn học
Sách hay: Một tiếng nói thuần túy của văn học

Nhà văn Tàn Tuyết và bìa sách Phố Ngũ Hương

Do đó tác phẩm của bà thường kén độc giả, khi nó là sự kết hợp giữa thế giới tâm linh và các yếu tố siêu thực, từ đó phơi bày hiện thực trong đời sống tinh thần bằng nhiều ẩn dụ phức tạp. Phố Ngũ Hương có thể nói là đại diện rõ nét cho trường phái trên. Ra mắt vào năm 1988, đây là tiểu thuyết dài đầu tay và cũng đánh dấu nhận thức về sứ mệnh văn học của bà. Cuốn sách xoay quanh con phố Ngũ Hương hư cấu, nơi nhiều người dân không ngừng bàn tán về một cô X mà tuổi tác, danh tính, ngoại hình đều không xác định. Từ khi cô chuyển đến đây, những chuyện mờ ám như ngoại tình, làm hư lớp trẻ, tuyên truyền mê tín… bắt đầu xuất hiện, theo sau là lời ong tiếng ve cùng những suy đoán của người trong phố.

Cô X có chồng và một con trai, do bị ám ảnh với những chiếc gương và kính hiển vi nên cô thường ngắm phản ảnh và nói bản thân đã được ngao du đến những nơi chốn mà mình muốn qua. Nhiều người cho rằng mắt cô đã hỏng, và do là người phóng túng nên cô chọn tình nhân bằng cảm ứng cơ thể, nếu như thấy hợp thì không điều gì ngăn cản được mình. Anh Q đã có gia đình được người trong khu gọi là “nạn nhân” vì bỏ bê cả gia đình để đến với X. Tuy vậy, họ không thể bắt tại trận hay biết hai người làm gì, nên cả cuốn sách là những suy đoán về mối “gian tình” nói trên.

Có thể thấy khác với Hoàng Nê Phố trước đó tập trung vào tính hiện thực dẫu được thể hiện qua những tưởng tượng độc đáo, thì Phố Ngũ Hương đã đào sâu hơn vào khía cạnh tinh thần, về những ẩn ức liên quan tâm lý tình dục của một bộ phận con người vào giai đoạn này, khi những người đàn bà ganh ghét nhân vật chính bởi cô có thứ mà họ không có. Họ bị ám ảnh bởi những sức nén mà mình phải chịu trong thời kỳ cũ. Đó là bà lão đội mũ nhung tưởng nhầm Q là người anh họ đã từng yêu bà, còn cô gái què khẳng khái nói Q đã nhìn vào mình vô cùng say đắm trước khi chạy đến với X. Trong khi người đồng nghiệp 48 tuổi của X nói cô “hớt tay trên” người đàn ông của mình, thì bà Kim lại cặp kè trai trẻ để trả thù X…

Chuyển giao giữa 2 giai đoạn

Việc cô X có tính ái kỷ, thực hành tình dục cởi mở hay không bận tâm đến lời ong ve… chính là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, và trong cuốn sách, điều này bị “ném đá” và bị lên án bởi tâm lý tập thể vốn chiếm thế thượng phong trong những ngày cũ. Những người trong phố là đại diện cho một đời sống cằn cỗi, lỗi thời và bị lãng quên. Kết thúc tác phẩm, người dân ở phố Ngũ Hương bắt đầu “trở mặt” khi phong cô X thành “đại biểu nhân dân” và người tiên phong của “phái tương lai”. Đó là hành động mang tính trả đũa để cô tự sửa chữa mình, nhưng bằng phủ định của sự phủ định, Tàn Tuyết cũng cho ta thấy được những thay đổi mới đang đến rất gần.

Tuy nhiên đã là văn học thì tính nhân văn vẫn luôn xuất hiện. Ở Phố Ngũ Hương, bên cạnh phơi bày giai đoạn quá độ của sự thay đổi, Tàn Tuyết cũng gửi vào đây những thông điệp mạnh mẽ. Thuộc bộ 3 nói về chủ đề phổ quát là tình yêu cùng Những chuyện tình thế kỷ mớiNgười tình nhân cuối cùng, tác phẩm này cũng đề cao tình yêu và vai trò của người phụ nữ. Bên cạnh những người đắm chìm trong các ẩn ức, Tàn Tuyết cũng xoáy sâu vào những người phụ nữ tự tìm cho mình một sứ mệnh riêng, những người dũng cảm đảo ngược vai trò của định kiến giới…

Bên cạnh nội dung, Tàn Tuyết là cây bút sở hữu một nghệ thuật viết độc đáo. Xuyên suốt cuốn sách, giọng văn của bà thường trực sắc sảo, lạnh lùng và không khoan nhượng, trong sự châm biếm cũng như giễu nhại thói đạo đức giả và sự gia trưởng. Qua cuốn sách này, ta thấy bà làm rõ lên những tiêu chuẩn kép, những “ký sinh trùng” không có chính kiến cũng như tâm lý trút giận đến từ đám đông có thể kinh khủng đến mức độ nào… Và vì tách khỏi dòng văn hiện thực, nên cách mô tả nói trên đem đến tiếng cười sâu cay, ấn tượng và đáng nhớ.

Tàn Tuyết cũng liên tục giải cấu trúc tác phẩm với việc chuyển đổi liên ngôi kể cũng như kết hợp với nhiều hình thức, từ văn xuôi, đối thoại, truyện lồng trong truyện cho đến những dòng suy tưởng xuất hiện đan xen… Sự hiện diện liên tục của tính huyền ảo, siêu thực, tâm linh bên cạnh cốt truyện không đầu không đuôi biến cả tác phẩm thành một hiện thực nóng rẫy, đòi hỏi độc giả phải đồng hành cùng người viết trong hành trình không ngừng đào sâu và thử thách mình, qua đó tự vấn về những định kiến cũng như ẩn ức có còn đó không. Một tác phẩm ấn tượng, thu hút và được viết ra bởi một cây bút vô cùng độc đáo.

Thuộc thế hệ nhà văn tiên phong, Tàn Tuyết (71 tuổi) là cái tên đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc để đến với độc giả quốc tế. Theo các thống kê, bà là nhà văn Trung Quốc được dịch và nghiên cứu nhiều nhất ở phương Tây. Kể từ năm 2019, bà là cái tên quen thuộc được nhắm cho giải Nobel Văn chương hằng năm. Bà viết tiểu thuyết, truyện ngắn cũng như phê bình văn chương với những góc nhìn và kiến giải độc đáo.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img