Đó là băn khoăn của nhiều địa phương, doanh nghiệp (nhà thầu thi công), khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, mặc dù đã hoàn thiện các hạng mục, thế nhưng lại thiếu đất đắp nền để hoàn thiện dự án.

Đồng Nai: “Lo ngại” nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ vì thiếu “đất đắp nền”?

Gói thầu xây dựng đường giao thông, mương thoát nước và đảm bảo giao thông Đoạn 3 từ Km0+000 đến Km29+500 (Gói thầu số 40) do nhà thầu đảm nhiệm đang thiếu khoảng 30 nghìn m3 đất đắp nền.

“Lo ngại” nhiều dự án chậm tiến độ…

Tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền phục vụ xây lắp các công trình giao thông, đang khiến nhiều nhà thầu ở các tỉnh thành phía Nam, như: Bình Dương, Đồng Nai… như ngồi trên đống lửa. Hiện tại, dù thời tiết rất thuận lợi, máy móc, thiết bị và nhân sự huy động đầy đủ, một số hạng mục cơ bản đã hoàn thành, thế nhưng nhà thầu không thể đẩy nhanh tiến độ thi công vì thiếu đất đắp nền nên việc giải ngân cũng bị ách tắc, chậm chạp. Tình cảnh gian khó này, buộc họ phải đối mặt với nguy cơ phải gia hạn hợp đồng, phạt chậm tiến độ và rủ ro thu lỗ bởi không thể lường trước biến động giá cả vật liệu khi thời gian thực hiện gói thầu bị kéo dài là điều không tránh khỏi.Đáng nói, dù biết trước được những bất cập này, song, chính quyền các địa phương cũng chưa thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu do vướng các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản.

Theo khảo sát thực tế của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, tại tuyến đường thi công Dự án Nâng cấp đường ĐT.763 từ huyện Xuân Lộc đến huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho thấy, các nhà thầu  đang khá khẩn trương huy động máy móc thiết bị, tập trung nhân công thi công một cách quyết liệt tại dự án. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu mới chỉ thi công được các hạng mục phụ trợ chứ chưa thể thi công phần nền đường vì thiếu “đất đắp nền”.

Đáng chú ý, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp về những lý do chưa thể thảm nhựa, ông Lê Văn Trường, đại diện Công ty TNHH Bá Lộc cho biết: Gói thầu xây dựng đường giao thông, mương thoát nước và đảm bảo giao thông Đoạn 3 từ Km0+000 đến Km29+500 (Gói thầu số 40) do nhà thầu đảm nhiệm đang thiếu khoảng 30 nghìn m3 đất đắp nền. Dù chạy đôn, chạy đáo khắp các huyện như: Định Quán, Xuân Lộc, TP.Biên Hòa… nhưng Công ty Bá Lộc không thể mua được vì nguồn cung vật liệu này tại tỉnh Đồng Nai hiện rất hạn chế.

Cũng theo ông Trường, hiện chúng tôi huy động gần 40 nhân công gồm nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật, nhân công cùng với lực lượng thiết bị, máy móc như hồ sơ dự thầu, tuy nhiên chưa thể thi công phần khuôn, nền đường mà chỉ thi công các hạng mục phụ như đúc các loại cấu kiện bê tông, hoàn thiện mương và lắp đặt cống thoát nước.

Đồng Nai: “Lo ngại” nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ vì thiếu “đất đắp nền”?

Ông Lê Văn Trường, đại diện Công ty TNHH Bá Lộc: Gói thầu xây dựng đường giao thông, mương thoát nước và đảm bảo giao thông Đoạn 3 từ Km0+000 đến Km29+500 (Gói thầu số 40) do nhà thầu đảm nhiệm đang thiếu khoảng 30 nghìn m3 đất đắp nền.

Theo ông Trường, tình trạng thiếu đất đắp nền đường khiến nhà thầu chưa thể thi công nền đường, nhiều máy móc bỏ phơi mưa, phơi nắng tại Ban Chỉ huy công trường, rất lãng phí.

Thông tin về tiến độ dự án, ông Trường cho hay, hợp đồng xây lắp Gói thầu số 40 có thời gian thi công 8 tháng kể từ ngày khởi công (ngày 10/3/2023) do Liên danh Công ty TNHH Bá Lộc – Công ty CP Đầu tư và xây dựng Nhơn Thành đảm nhiệm. Theo cam kết trong hợp đồng thì thời hạn hoàn thành gói thầu (ngày 10/11/2023). Song, nếu tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền không nhanh chóng giải quyết thì rất khó đảm bảo tiến độ thi công, giải ngân của công trình nâng cấp đường ĐT.763.

… vì thiếu đất đắp nền?

Tương tự, ông Phạm Văn Chung – Phó Giám đốc Công ty CP Cường Hùng cũng cho biết: Là nhà thầu đảm nhiệm xây lắp nhiều công trình giao thông tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Cường Hùng hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu đắp nền.

Về lí do, ông Chung cho rằng, hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã và đang gấp rút thực hiện tại Đồng Nai như: Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành; các đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương; đường Vành đai 3- TP.HCM khiến nhu cầu đất đắp nền tăng đột biến, dẫn đến khan hiếm nguồn cung và giá cả tăng. Chưa kể, hiện các mỏ vật liệu đang được tập trung, ưu tiên cho các dự án giao thông lớn nên nguồn cung cho các công trình của địa phương càng trở nên căng thẳng.

Lấy dẫn chứng về sự khó khăn trên, ông Chung cho hay, hiện Công ty Cường Hùng đang thực hiện Gói thầu số 9 – Xây dựng đường Ấp 2, Suối Trầu thuộc Dự án thành phần Tái lập hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội ngoài ranh giới Cảng HKQT Long Thành, thuộc Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng KHQT Long Thành. Song, do nhiều nguyên nhân và một trong nguyên nhân quan trọng khiến công trình chậm tiến độ là vì thiết đắt đắp nền gay gắt. Theo đó, về tiến độ ghi nhận thực tế tại công trường, tại nhánh 1 nhà thầu đang thi công nền đất K95, nền đất K98 đều đạt 76,57% khối lượng so với hợp đồng. Còn tại nhánh 2 hạng mục nền đất K95 và nền đất K98 cũng đều đạt  44,28% khối lượng…

Đồng Nai: “Lo ngại” nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ vì thiếu “đất đắp nền”?

Ông Nguyễn Linh – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư các dự án) xác nhận: Nhiều dự án giao thông do Ban làm chủ đầu tư hiện đang thiếu vật liệu đắp nền, và việc này đã làm cho kế hoạch thi công của các nhà thầu bị thụ động, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các gói thầu xây lắp.

“Hiện tại, tổng giá trị thực hiện mới đạt khoảng 17,8 tỷ đồng trên tổng khối lượng 47,5 tỷ đồng, tương đương đạt 37,47%. Dù khối lượng đắp nền thực hiện được phần lớn nhưng nếu không đủ nguồn cung vật liệu đắp nền thì chúng tôi không thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án”, ông Chung nói

Ông Chung cho biết thêm, đây là dự án có tính cấp bách, tiến độ thực hiện công trình 365 ngày kể từ ngày khởi công 9/3/2021. Tuy nhiên, sau 2 năm thi công nhà thầu chưa thể hoàn thành công trình vì thiếu vật liệu đắp nền cũng như các nguyên do khác như giải phóng mặt bằng; bổ sung, điều chỉnh thiết kế tuyến và mương thoát nước, phát sinh nền đất yếu.

Chia sẻ những khó khăn của các nhà thầu, ông Nguyễn Linh – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (chủ đầu tư các dự án) xác nhận: Nhiều dự án giao thông do Ban làm chủ đầu tư hiện đang thiếu vật liệu đắp nền, và việc này đã làm cho kế hoạch thi công của các nhà thầu bị thụ động, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các gói thầu xây lắp. Điển hình như: Dự án Nâng cấp đường ĐT.763 và Dự án Xây dựng Hương lộ 2 nối dài (đoạn 1 – giai đoạn 1).

“Theo dự báo, tình trạng này ngày càng trở nên gay gắt trong thời gian tới đây khi hàng loạt các dự án mới được khởi công xây dựng. Và điều lo ngại nhất hiện nay chính là địa phương chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý, những hướng dẫn cụ thể về các thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoảng sản, vật liệu đắp nền…” – ông Linh thông tin.

Theo thông tin của UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025, chỉ tính riêng 8 dự án giao thông trọng điểm Quốc gia và của địa phương thì nhu cầu vật liệu san lấp đã khoảng 21,53 triệu m3. Nhóm dự án có chu cầu cao phải kể đến như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (5,21 triệu m3), Vành đai 4 T.P HCM (4,6 triệu m3), cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (4,2 triệu m3), đường tỉnh ĐT.773 (1,16 triệu m3).

Để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch và khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp tại khu vực 8 huyện, thị với tổng diện tích 517 ha. Song, do còn vướng mắc liên quan đến việc xác nhận trữ lượng khoáng sản để thực hiện đăng ký khai thác; việc bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; đặc biệt do các thủ tục quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp còn rườm rà nên “cơn khát” vật liệu đắp nền chưa thể giải quyết và các nhà thầu như ngồi trên đống lửa, trong khi đó các dự án giao thông rất khó hoàn thành xây dựng, hoàn thành chỉ tiêu giải ngân như kế hoạch.