Thống kê về chỉ số CPI tháng 5 cho thấy lạm phát toàn phần giảm tháng thứ tư liên tiếp; lạm phát cơ bản (+4,5% so với +4,6% trong tháng 4) giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng +0,3% so với tháng trước, chủ yếu do loại trừ giá giao thông giúp kiềm chế lạm phát chung.

 
Phá thế kẹt phục hồi

Xuất khẩu có thể sụt giảm trong nửa cuối năm 2023.

Với diễn tiến này, chuyên gia Brian Lee Shun Rong của Tập đoàn Maybank IBG, từ góc nhìn bên ngoài đánh giá, lạm phát cả năm dự báo sẽ ở dưới mục tiêu đề ra và ở khoảng 3,4%. Song điều đáng nói là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ kiểm soát lạm phát, trong khi kế hoạch cắt giảm VAT 2% sẽ giúp giảm áp lực tăng giá – có nghĩa lạm phát không phải là vấn đề đáng lo của Việt Nam trong năm nay, thì tăng trưởng GDP của nền kinh tế vẫn chậm lại.

Dự báo, xuất khẩu sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm mặc dù sự phục hồi khiêm tốn có thể thấy trong quý IV. Nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm lại và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tăng cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy giảm do tiên lượng nhu cầu toàn cầu ảm đạm. Lượng khách du lịch phục hồi sẽ không đủ để hỗ trợ tăng trưởng, do nền kinh tế của Việt Nam có định hướng xuất khẩu cao…, chuyên gia Brian Lee Shun Rong nhận định.

Lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng 22,6% so với cùng kỳ tiếp tục cho thấy sự phục hồi tăng trưởng, trên động lực chính là doanh nghiệp, vẫn rất nan giải. Bởi lẽ, lượng doanh nghiệp mở mới có thể tồn tại được, trụ lại, mở rộng quy mô, sẽ cần thời gian dài.

Vì vậy, ngoài chính sách giảm thuế, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công và các chương trình hỗ trợ hiện hữu, những trở ngại tăng trưởng cần một cú đột phá toàn diện. Dư địa thị trường xuất khẩu khi cạnh tranh với chính doanh nghiệp Trung Quốc hẹp, nhưng vẫn còn. Bên cạnh đó, là giải pháp thiết thực tạo cầu và tạo sóng dòng tiền lan tỏa từ thị trường đang “thắt cổ chai” – địa ốc.