Thương mại sẽ hồi phục trở lại trong tháng 3/2024?

Thương mại sẽ hồi phục trở lại trong tháng 3 khi các hoạt động sản xuất, xuất khẩu không còn bị gián đoạn. (Ảnh minh họa).

Trong Báo cáo vĩ mô mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, trong tháng 2/2024, số ngày làm việc ít hơn nên tình hình xuất khẩu yếu hơn do yếu tố Tết Nguyên đán. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 2 đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Cán cân thương mại tháng 2 thặng dư 1,1 tỷ USD.

Lũy kế 2 tháng đầu năm (đã loại bỏ yếu tố mùa vụ), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Theo PHS, cán cân thương mại lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 4,72 tỷ USD, mức cao nhất trong 2 tháng đầu năm từ trước đến nay. Và đây cũng là giai đoạn cán cân thương mại thặng dư lâu nhất, 21 tháng thặng dư liên tiếp. Mặc dù số ngày làm việc trong tháng 2/2024 ít hơn so với tháng 2/2023 nhưng kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng bao gồm Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Gỗ & sản phẩm gỗ; Sắt thép các loại vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dựa trên tăng trưởng bình quân của 3 tháng liền kề liên tiếp (nhằm loại bỏ các yếu tố mùa vụ), PHS nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu của nhóm Đồ điện tử, nông sản, sắt thép đang là những yếu tố chính dẫn dắt cho tăng trưởng xuất khẩu cả nước trong các tháng vừa qua”, PHS đánh giá.

Thương mại sẽ hồi phục trở lại trong tháng 3/2024?

Đối với nhóm hàng điện tử, PHS cho rằng, Việt Nam ngày càng cho thấy được tầm quan trọng của mình trong chuỗi sản xuất đồ điện tử và ngày càng được hưởng lợi khi nhu cầu của mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm Đồ điện tử của các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này là sự tiếp nối của xu hướng phục hồi bắt đầu từ quý IV/2023 sau gần hai năm suy giảm. Thu nhập khả dụng ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ gia nhập lực lượng lao động ngày càng tăng là một trong những yếu tố chính kỳ vọng cho sự tăng trưởng của nhóm các mặt hàng Đồ điện tử.

Bên cạnh đó, những yếu tố liên quan đến chu kỳ thay thế công nghệ, người tiêu dùng có nhu cầu nâng cấp lên các sản phẩm có khả năng AI cũng thúc đẩy cho sự hồi phục trong xuất khẩu của nhóm các mặt hàng này.

“Chúng tôi cho rằng xu hướng tiếp tục đầu tư thêm vốn, mở rộng sản xuất các dự án hiện hữu tại Việt Nam cùng với việc đón chào thêm các công ty công nghệ mới trên thế giới đến Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở ra triển vọng xuất khẩu ngày càng tốt hơn cho nhóm Đồ điện tử”, PHS nhận định.

Cũng theo đơn vị này, xuất khẩu của nhóm hàng dệt may, giày dép cũng hồi phục theo đà tăng của sản xuất khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng mới trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi không xảy ra trên diện rộng ở tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng và hàng hóa có giá trị thấp nên sự phục hồi của các doanh nghiệp này chưa thực sự rõ rệt.

Thương mại sẽ hồi phục trở lại trong tháng 3/2024?

Nhóm nông sản tiếp tục mang đến những điểm nhấn tích cực. Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sang thị trường Trung Quốc khi nhiều mặt hàng nông sản mới dự kiến sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới như dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu, và sầu riêng đông lạnh. Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu ngành hàng rau quả sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD trong năm 2024. Xuất khẩu của nhóm các mặt hàng cao su, gạo, điều, tiêu, cà phê,… cũng tiếp tục được hưởng lợi do giá thành xuất khẩu tốt.

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 8% và lũy kế 2 tháng đầu năm tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước. Việc thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu ấm lên khi các số liệu liên quan đến doanh số bán nhà tại Mỹ ghi nhận những tín hiệu tích cực. Doanh số bán nhà đã qua sở hữu ở Mỹ trong tháng 1/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, nhờ lãi suất thế chấp giảm đã thu hút người mua.

Lãi suất trung bình của khoản vay thế chấp cố định 30 năm đã giảm xuống mức 6,61% vào cuối tháng 12/2023, từ mức 7,79% vào cuối tháng 10/2023, mức cao nhất kể từ năm 2000. Đây là tín hiệu rất tốt cho thị trường xuất khẩu nội thất.

“Thương mại sẽ hồi phục trở lại trong tháng 3 khi các hoạt động sản xuất, xuất khẩu không còn bị gián đoạn. Chúng tôi tiếp tục ước tính cán cân thương mại tháng 3 sẽ thặng dư quanh 1-2 tỷ USD khi xuất khẩu hồi phục tốt hơn nhập khẩu. Tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm vượt mọi kỳ vọng của thị trường cũng đang mang đến những tín hiệu tích cực về nhu cầu toàn cầu cũng như của quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới trong bối cảnh hiện tại”, PHS nhận định.