Friday, April 26, 2024

Dòng chảy dầu mỏ Nga đang đổ sang châu Á

Tác động lâu dài từ các lệnh cấm vận của phương Tây đang dẫn dòng chảy dầu mỏ từ Nga và các nước như Iran, Venezuela sang các nền kinh tế lớn tại châu Á.

Bản đồ dòng chảy dầu mỏ toàn cầu đang được vẽ lại với những biến động liên quan lệnh cấm vận của phương Tây. Theo Bloomberg, dầu mỏ từ Nga, Iran và Venezuela đang đổ về các nền kinh tế lớn nhất tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiệu quả của lệnh cấm vận

Bloomberg vừa qua dẫn số liệu của công ty phân tích thị trường Kpler cho biết hơn 30% lượng dầu thô mà Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu cộng lại trong tháng 4 là từ Nga, Iran và Venezuela. Con số này cao hơn nhiều so với mức 12% trong tháng 2.2022, tháng mà Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Xuất khẩu từ các nhà cung cấp truyền thống đang bị thu hẹp. Cụ thể, lượng dầu thô mà Ấn Độ và Trung Quốc nhập khẩu từ Tây Phi và Mỹ đã giảm lần lượt hơn 40% và 35%.

Những số liệu nói trên là minh chứng cho thấy dòng chảy dầu mỏ trên thế giới đang được định hình lại. Sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, các nước phương Tây đã ngăn chặn nguồn cung dầu mỏ và sản phẩm liên quan từ Nga sang thị trường của họ, đồng thời áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng dầu nhằm chuyển dòng chảy sang nơi khác. Các biện pháp của phương Tây được thiết kế nhằm giảm nguồn thu nhập của Nga trong khi vẫn duy trì nguồn cung dầu mỏ cho thị trường thế giới.

Dòng chảy dầu mỏ Nga đang đổ sang châu Á

Tàu chở dầu ngoài khơi thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc

Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế trụ sở tại Paris (Pháp) cho thấy các lệnh cấm vận đối với Nga đã đạt được hiệu quả mong muốn, khi xuất khẩu dầu mỏ của nước này trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng doanh thu lại giảm gần một nửa so với tháng 3.2022.

Bộ Tài chính Mỹ trong tháng này cũng cho hay mức giá trần đã giúp duy trì nguồn cung dầu từ Nga trong khi cắt giảm nguồn thu của Moscow. “Chính sách áp giá trần là công cụ mới của kỹ năng quản lý kinh tế nhà nước. Quy định này đã giúp hạn chế năng lực thu lợi nhuận của Nga trong khi thúc đẩy sự ổn định trong các thị trường năng lượng toàn cầu”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói.

Ai hưởng lợi?

“Rõ ràng là các khách hàng châu Á đang là người thắng nhờ giá dầu rẻ”, cựu kinh tế gia Wang Nengquan của công ty năng lượng Sinochem Energy (Trung Quốc) nhận xét. Trong vài tháng qua, châu Á, với Ấn Độ là nước dẫn đầu, đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, giúp Moscow khôi phục xuất khẩu dầu mỏ về mức bình thường, theo ông Wang, người có hơn 3 thập niên làm việc trong ngành dầu mỏ.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố bởi Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (Anh), các nhà nghiên cứu cho biết gần 90% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga chảy đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Giữa hai nước này, Ấn Độ là nước tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga mạnh nhất, trong khi Trung Quốc vừa mua thêm dầu của Nga vừa duy trì nguồn cung từ Iran và Venezuela với giá chiết khấu lớn. Dầu thô của hai quốc gia này bị Mỹ cấm vận từ lâu nay.

Dòng chảy dầu mỏ Nga đang đổ sang châu Á

Nhà máy lọc dầu của Reliance Industries tại bang Gujarat, Ấn Độ

Các công ty lọc dầu được cho là bên hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn cung dầu thô giá rẻ. Dữ liệu của Ngân hàng Baroda (Ấn Độ) cho thấy dầu mỏ của Nga đang chiếm gần 20% lượng nhập khẩu dầu thô hàng năm của Ấn Độ, tăng mạnh so với chỉ 2% vào năm 2021.

Reuters dẫn số liệu của chính phủ Ấn Độ cho biết nước này nhập 31 tỉ USD dầu thô từ Nga trong 12 tháng tính đến tháng 3.2023, tăng mạnh so với chỉ 2,5 tỉ USD trong một năm trước đó. Một phần được Ấn Độ sử dụng phục vụ nhu cầu nội địa và giảm lạm phát, trong khi phần còn lại được tinh luyện thành dầu diesel và xăng máy bay để bán cho phương Tây. Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ quốc gia Nam Á sang châu Âu trong một năm qua là 15 tỉ USD, tăng 70%. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã tỏ thái độ về việc này vì cho rằng nó khiến các lệnh cấm vận đối với Nga mất hiệu quả.

Cao ủy EU phụ trách đối ngoại Josep Borrell đã kêu gọi có biện pháp ngăn chặn diễn biến trên. Theo đó, đề xuất được đưa ra là đánh thuế đối với các hãng lọc dầu tư nhân như Reliance Industries của tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani hay công ty Nayara Energy mà tập đoàn Rosneft của Nga nắm giữ cổ phần. Dữ liệu của công ty phân tích Vortexa (Anh) cho thấy Reliance Industries và Nayara chiếm 60% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga trong tháng 1.

Tuy nhiên, việc thi hành đề xuất nói trên được đánh giá là khó khăn và cần có sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên EU. Các hãng lọc dầu thường pha nhiều loại dầu thô từ các nguồn khác nhau trước khi xử lý, khiến cho việc xác định nguồn gốc của mỗi thùng thành phẩm rất khó khăn. Hơn nữa, Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm được xử lý từ dầu mỏ của một nước thứ ba không thuộc nhóm đối tượng bị cấm vận của EU. Do đó, để tránh xung đột với Ấn Độ, EU có thể nhắm đến các công ty của châu Âu mua dầu đã tinh luyện có nguồn gốc từ Nga.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img